•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

04/09/2013
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Bộ Tư pháp được coi là “người gác cửa“ về mặt pháp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều VB thiếu tính khả thi được ban hành đang gây bức xúc trong dư luận xã hội thì vai trò thẩm định ngày càng được đề cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết công tác này gặp những khó khăn nhất định.
Dự thảo phức tạp: lập Hội đồng thẩm định liên ngành
 
Theo quy định của Luật ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nội dung Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định cũng theo Luật ban hành VBQPPL là “tính khả thi của dự thảo văn bản...“
 
Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính thì ngoài việc thẩm định nội dung dự án, dự thảo VBQPPL, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định quy định về thủ tục hành chính và thể hiện nội dung này trong Báo cáo thẩm định. 
 
Bộ Tư pháp cho biết đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
 
Trên cơ sở Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tư pháp, hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định phân công Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc thẩm định. Để nâng cao chất lượng thẩm định, việc phân công đã đổi mới theo hướng một đơn vị tham gia từ khâu soạn thảo, góp ý đến thẩm định từng dự án, dự thảo VBQPPL.
 
Đối với các dự thảo VBQPPL có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp đều thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc tổ chức các cuộc họp tư vấn thẩm định để huy động trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia các ngành, lĩnh vực có liên quan, giúp đưa ra ý kiến phản biện chính xác, khách quan hơn, bảo đảm tính đồng bộ, tính khả thi của VBQPPL sau khi được ban hành. Cơ chế thẩm định thông qua Hội đồng và cuộc họp tư vấn thẩm định đã phát huy hiệu quả và hiện đang được mở rộng việc áp dụng.
 
Nâng cao năng lực cán bộ
 
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ: Công tác thẩm định còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản như chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý; một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các quy định trong dự thảo văn bản; một số quy định về thủ tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ.
 
Chẳng hạn, Bộ Tư pháp đã không phát hiện ra những điểm bất hợp lý của quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về việc không lắp kính trên nắp áo quan, không rải vàng mã trên đường đi, không mang theo vòng hoa đi viếng trong việc tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức. Trong một số trường hợp, tuy đã phát hiện ra “vấn đề” nhưng Bộ Tư pháp chưa thuyết phục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý...Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận “tiến độ thẩm định một số dự thảo VBQPPL còn chậm so với quy định, ảnh hưởng đến việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản của các cơ quan chủ trì soạn thảo”.
 
Về giải pháp cho vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL; bổ sung hợp lý số lượng cán bộ, công chức làm công tác này; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định, kiểm tra VBQPPL cho những người làm công tác xây dựng pháp luật, bao gồm cả cán bộ, công chức pháp chế các Bộ, ngành.
 
Đồng thời, có biện pháp phát huy hơn nữa sự tham gia của nhân dân, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL; cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL.
 
Về lâu dài, để nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL một cách căn cơ hơn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng trình Quốc hội Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất), với định hướng làm cho quy trình xây dựng pháp luật dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung vai trò giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân; vai trò xây dựng án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, qua đó sẽ góp phần hạn chế ban hành thông tư, thông tư liên tịch quá nhiều như hiện nay.
 
(Theo http://phapluatvn.vn)