•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Bế mạc Phiên họp thứ 9 của UBTVQH: Cho ý kiến về đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

24/04/2017
Chiều ngày 22.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc Phiên họp thứ 9.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

 

Thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với các nguyên tắc lập dự kiến của Chính phủ; đồng thời, đề nghị cần bổ sung và nhấn mạnh một số nguyên tắc sau đây. Cụ thể là, đối với một số dự án trong Chương trình năm 2017 mà việc chuẩn bị chưa bảo đảm chất lượng thì tán thành với đề nghị của cơ quan trình dự án cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị, nhưng cơ quan trình dự án cần có báo cáo cụ thể với UBTVQH về nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan. Các dự án đã có trong chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2017) sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình thông qua trong năm 2018.

 

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc đưa các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết mới vào Chương trình cần tuân thủ các nguyên tắc sau: ưu tiên các dự án để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được QH, UBTVQH thông qua. Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án. Việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan; từ năm 2018, tại mỗi Kỳ họp QH, không phân công quá 3 dự án cho 1 cơ quan soạn thảo hoặc 01 cơ quan thẩm tra phụ trách (bao gồm cả dự án trình thông qua và dự án trình xin ý kiến), trừ trường hợp đặc biệt; giảm số lượng dự án đưa vào Chương trình kỳ họp cuối năm để dành thời gian cho QH xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; không xem xét sửa đổi, bổ sung những dự án luật, pháp lệnh mới được ban hành còn chưa có hiệu lực; cân nhắc kỹ việc sửa đổi, bổ sung những Luật mới được thi hành trong thời gian ngắn.

 

Về các dự án luật, pháp lệnh cụ thể, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các cơ quan, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình các dự án: Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và bổ sung 2 dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Pháp luật cũng tán thành đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện ra khỏi Chương trình và đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, soạn thảo lại và sẽ xem xét, bổ sung vào Chương trình sau khi được chuẩn bị xong, bảo đảm chất lượng...

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận và bế mạc

phiên họp thứ 9 của UBTVQH

 

Như vậy, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 như sau: tại Kỳ họp thứ 3, trình QH thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4, trình QH thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 2 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 1 kỳ họp).


Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự kiến sẽ gồm 24 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, QH xem xét, thông qua 10 luật, 1 nghị quyết (bao gồm cả 2 dự án Chính phủ đề nghị thông qua trong 1 kỳ họp nếu chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 4); cho ý kiến về 8 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, QH thông qua 9 luật và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

 

Nhấn mạnh tính quan trọng của việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, vừa qua, chúng ta chưa có đủ thời gian cần thiết để thực hiện công việc này. Nhiều nội dung đưa vào Chương trình mang tính chất “mở” nên hậu quả về sau lại rất lớn. Việc đưa dự án luật này vào rồi đưa dự án luật kia ra không còn là cá biệt. Để đảm bảo kỷ luật làm luật cũng như chất lượng các dự án luật, bà Lê Thị Nga đề nghị các bộ, ngành cần cử người đúng chuyên môn và theo dõi sát, thường xuyên việc soạn thảo các dự án.

 

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu thực trạng, có rất nhiều dự án luật khi đưa vào chương trình thì nói về sự cần thiết, cấp bách phải xem xét, thông qua ngay, thậm chí phải theo thủ tục rút gọn nhưng sau đó lại rút ra. Do vậy, để đưa vào chương trình cần phải xem xét kỹ các dự án luật, đặc biệt với các dự án luật cho ý kiến lần đầu xem có đủ điều kiện chưa, các cơ quan thẩm tra cũng phải rà soát kỹ việc này.

 

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, UBTVQH đánh giá công tác xây dựng luật thời gian qua có chuyển biến tích cực, tuy nhiên những tồn tại yếu kém chưa được khắc phục triệt để. UBTVQH cơ bản thống nhất với đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Chính phủ; bổ sung vào chương trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trình QH xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 Kỳ họp. UBTVQH cũng đồng ý đưa dự thảo Nghị quyết của QH về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động ra khỏi chương trình năm 2017. UBTVQH cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc xin lùi đối với dự án luật về Hội, Luật Biểu tình để chuẩn bị kỹ hơn…

 

Cũng trong buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)