•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Mối quan hệ giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và quyền con người”

13/07/2012
Ngày 9/7/2012, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế “Mối quan hệ giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và quyền con người” tại số 1 Liễu Giai, Hà Nội. Đây là hội thảo thứ ba nằm trong Chương trình Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm Nhân quyền Na Uy.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Viện nghiên cứu thuộc Viện KHXH Việt Nam; đại diện Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; các tổ chức phi chính phủ,…

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo gồm có: GS.TS. Bard Andreassen, Trung tâm Nhân quyền Na Uy; ông Yoon Youngmo, Văn phòng ILO Việt Nam; bà Lê Thị Thúy Hường, đại diện Đại sứ quán Na Uy; bà Melizel Asuncion, Viện Nhân quyền, Đại học Luật Philipines; bà Nussara Meensen, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Hòa bình, Đại học Mahidol, Thái Lan.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam và GS.TS. Bard Andreassen đồng chủ trì Hội thảo.

Các nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến các vấn đề chính sau:
    -    Mối quan hệ giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và quyền con người theo quy định của pháp luật quốc tế và khu vực
    -    Mối liên hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia và trách nhiệm thực hiện quyền con người
    -    Trách nhiệm của các tập đoàn xuyên quốc gia với quyền con người theo các quy định không có tính ràng buộc
    -    Trách nhiệm của chủ thể phi nhà nước về phát triển và quyền con người.

Trong những năm qua, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đã đóng góp tích cực vào quá trình toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập của người dân, đào tạo nhân lực có chất lượng cao và chuyển giao kinh nghiệm quản lý tiến tiến. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh các vấn đề liên quan đến quyền con người như: bóc lột và cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu, phân biệt đối xử, vi phạm quyền lợi của người lao động, hủy hoại môi trường sống và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng .v.v.

Có ý kiến cho rằng: Nhiệm vụ thể chế hóa, bảo đảm, bảo hộ và bảo vệ quyền con người thuộc về Nhà nước, tập đoàn xuyên quốc gia không có bổn phận chính trị đối với nhiệm vụ này. Thực tế cho thấy các tập đoàn xuyên quốc gia phải có trách nhiệm đối với quyền con người, bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, các tập đoàn này có thể tác động tiêu cực đến quyền con người. Cho dù hậu quả do hành vi của họ gây ra có thể chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm pháp lý, nhưng về mặt đạo đức, doanh nghiệp không thể không có trách nhiệm với hành vi của mình.

Tại Hội thảo, GS.TS. Bard Andreassen đưa ra một khái niệm mới, đó là đầu tư xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Investment - CSI). Ở Na Uy, Nhà nước hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án của quốc gia thông qua Quỹ Hưu trí. Đây được coi là trách nhiệm “có đạo đức” của doanh nghiệp. Điều này cho thấy trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp có thể được đầu tư để phục vụ xã hội và góp phần phát triển bền vững.

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nghe bà Nussara Meensen đưa ra những vấn đề thực tiễn về bảo đảm quyền con người trong ngành công nghiệp thủy sản đông lạnh ở Thái Lan và bà Melizel Asuncion cung cấp những thông tin về lĩnh vực lao động linh hoạt ở Philippines.  

Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, các ý kiến thảo luận đã làm sáng tỏ trách nhiệm của tập đoàn xuyên quốc gia với quyền con người trên nhiều lĩnh vực: lao động xã hội, môi trường, đấu tranh phòng chống tham nhũng và phát triển bền vững. Trong thực tiễn điều chỉnh pháp luật dựa trên cơ sở các quy định quốc tế và ở mỗi nước, các quốc gia đã có những quy định mang tính bắt buộc và không bắt buộc trong việc thực hiện trách nhiệm với quyền con người.

Các tin cùng chuyên mục: