•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo báo cáo đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”

13/08/2010
Ngày 06/08/2010, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”; mã số: CT 09-16-09, đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả thực hiện. TS. Nguyễn Đức Minh - Chủ nhiệm đề tài và TS. Lê Mai Thanh – Phó chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có các thành viên trong Ban chủ nhiệm chương trình: PGS.TS. Nguyễn Như Pháp, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương; các thành viên tham gia thực hiện đề tài và các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội): GS.TSKH. Đào Trí Úc, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung. PGS.TS. Nguyễn Trung Tín, PGS.TS. Vũ Thư, TS. Phạm Thị Thuý Nga, Ths. Đinh Thị Duy Thanh, Ths. Dương Quỳnh Hoa, Ths. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Ths. Nguyễn Linh Giang.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung báo cáo, trao đổi, thảo luận sôi nổi các tham luận sau:
    - Vị trí, vai trò của quyền tư pháp trong hệ thống quyền lực nhà nước và trong đời sống xã hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta;;
    - Cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của quyền tư pháp và sự thể hiện trong tổ chức thực hiện quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
    - Thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện mối quan hệ (phân công và phối hợp) giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan nhà nước khác;
    - Nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp trong thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Trong bài tham luận của mình, GS.TSKH. Đào Trí Úc nhấn mạnh đến học thuyết phân quyền để làm rõ vị trí, vai trò của quyền tư pháp trong hệ thống quyền lực nhà nước. Trên thực tế, quyền lập pháp và quyền hành pháp luôn đi cùng và phụ thuộc vào nhau. Các đảng chính trị nắm quyền lập pháp thông qua hoạt động bầu cử. Vì thế, cần có một dạng quyền lực độc lập, đứng ngoài hai quyền trên để các nhà hoạt động chính trị không lạm quyền, đó là quyền tư pháp. Quyền này không chịu sự ảnh hưởng của hai quyền lập pháp và hành pháp.

GS.TSKH. Đào Trí Úc cho biết: Trong lịch sử xây dựng pháp luật ở nước ta, có ba đặc trưng về tính độc lập của quyền tư pháp:
    - Sự độc lập của quyền tư pháp như là một quyền: trong Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ “Các cơ quan không được gây ảnh hưởng đến quyền tư pháp”
    - Sự độc lập của thẩm phán: được nêu trong Hiến pháp năm 1959
    - Sự độc lập của các cấp xét xử: được nêu trong Hiến pháp 1992.


Về mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của quyền tư pháp, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng tính phổ biến như cái chung và tính đặc thù là cái riêng cần có của cái phổ biến. Xã hội loài người luôn có mâu thuẫn, trước kia xã hội nguyên thủy giải quyết các tranh chấp bằng sự trả thù của các bên. Thiết chế Tòa án ra đời để thay thế giải pháp trả thù bằng phán xử tranh chấp một cách hòa bình. Với nhiệm vụ này, Tòa án thiết lập nên trật tự xã hội. Quyền lực nhà nước phải gắn với hoạt động xét xử và đạt được công lý. Tính phổ biến quan trọng nhất của tòa án là tính độc lập, tòa án không đảm bảo độc lập thì không có công lý.

Phân tích về thực trạng tư pháp ở nước ta, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nói: Tư pháp không được phân quyền và chưa thay đổi nhiều so với thời kỳ bao cấp. Tòa án không phải là cấp xét xử cuối cùng mà vẫn chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước khác. Tố tụng hình sự và dân sự không theo nguyên tắc tranh tụng, tố tụng dân sự chưa thực sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, nhiều trường hợp có sự can thiệp của Viện Kiểm sát.

Từ những phân tích trên, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đề xuất một số giải pháp cải cách tư pháp, đó là:
    - Đảng và Nhà nước cần có chủ trương, chính sách tăng cường tầm quan trọng của tư pháp;
    - Đảm bảo sự độc lập của tòa án: quyền tư pháp phải được phân công rõ ràng;
    - Mở rộng đối tượng xét xử các hành vi của lập pháp và hành pháp, thành lập Tòa Hiến pháp;
    - Tăng cường hoạt động xét xử tranh tụng, thẩm phán là trọng tài giữa hai bên, luật sư bào chữa và luật sư buộc tội;
    - Giải thích Hiến pháp và luật là một trong những chức năng của quyền tư pháp;
    - Lập pháp và hành pháp không giám sát hoạt động xét xử của tòa án.

 
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Đức Minh - Chủ nhiệm đề tài đã phát biểu kết luận, cho rằng những ý kiến, trao đổi quý báu của các nhà khoa học sẽ giúp đề tài CT 09-16-09 đạt hiệu quả.

Các tin cùng chuyên mục: