•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền – Kinh nghiệm của CHLB Đức”

04/05/2011
Trong các ngày 27, 28/04/2011 tại Hà Nội, hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về Hiến pháp – Kinh nghiệm của CHLB Đức” do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS tại Hà Nội (CHLB Đức) đã được tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Nhiều đại biểu và nhà khoa học đến từ: Viện Nhà nước và Pháp luật, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hải Phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, … đã tham dự hội thảo. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của GS. Monika Harms - Tổng công tố CHLB Đức; GS.TS. Markus Jäger - Thẩm phán Tòa án liên bang CHLB Đức; Ông Clauspeter Hill - Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á của Viện KAS tại Singapore và các đại biểu đến từ Viện KAS tại Singapore và tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận và bình luận của các nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Đức đã đề cập những vấn đề lý luận cơ bản về công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền cũng như những kinh nghiệm xây dựng và thực thi quyền công tố từ thực tiễn của CHLB Đức.

GS.TSKH. Đào Trí Úc phát biểu thảo luận

Các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi về cội nguồn, bản chất và tính cần thiết khách quan của quyền công tố; vị trí, vai trò của Viện Công tố trong tư pháp hình sự và tư pháp dân sự; thực tiễn tổ chức và thực hiện quyền công tố ở Việt Nam và CHLB Đức; quan hệ giữa các cơ quan điều tra, công tố và Tòa án trong tố tụng hình sự ở Việt Nam và CHLB Đức.

Trao đổi sâu về chức năng công tố và phạm vi hoạt động công tố, GS. Monika Harms khẳng định: ở CHLB Đức, Viện Công tố mặc dù thuộc Bộ Tư pháp nhưng hoàn toàn tự chủ trong quá trình điều tra, truy tố; kiểm tra, giám sát quá trình thi hành án sau khi bản án có hiệu lực.Theo GS. Harms, Viện Công tố CHLB Đức là cơ quan khách quan nhất của Nhà nước, chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong hoạt động, cơ quan này luôn hướng đến việc kiểm tra và thúc đẩy quá trình tìm ra sự thật.  

Các đại biểu cũng thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Một số ý kiến cho rằng, Viện Kiểm sát chưa có đủ cơ chế cần thiết để chủ động tham gia hoạt động điều tra. Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đồng ý với hướng đề xuất của ThS. Nguyễn Văn Quảng khi ông cho rằng cần gắn công tố với hoạt động điều tra; ban hành đầy đủ cơ chế pháp lý và chính trị cho hoạt động của Viện Kiểm sát.

Các đại biểu tham gia Hội thảo
 

Kết thúc Hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng Hội thảo rất bổ ích, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Các nhà khoa học cũng cho rẳng, nhiều quan điểm khoa học được gợi mở tại Hội thảo cần được tiếp tục thảo luận và phát triển thêm.

Bạn đọc cần tham khảo tài liệu liên quan đến Hội thảo, có thể liên hệ với Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật, số 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Dưới đây là danh sách các bài tham luận tham gia Hội thảo.

Các tin cùng chuyên mục: