•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Tổng kết 10 năm thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013”

29/08/2023
Ngày 22/08/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức hội thảo với chủ đề “Tổng kết 10 năm thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013” tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chủ trì hội thảo (ngồi giữa, từ trái sang phải): TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Phạm Thị Thúy Nga,

PGS.TS. Đinh Thị Mai

 

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu trong Viện. Chủ trì và điều hành hội thảo là TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Dương Quỳnh Hoa (phòng Pháp luật Dân sự) và PGS.TS. Đinh Thị Mai (phòng Pháp luật Hình sự).

 

Tham luận mở đầu hội thảo là của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy với chủ đề “Kiểm soát quyền lực tư pháp và các yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát quyền lực tư pháp ở Việt Nam”. Quyền lực tư pháp là một khái niệm được bàn luận rất nhiều trong khoa học pháp lý. Nhìn chung, đa số các quan điểm xem xét quyền lực tư pháp trên cơ sở của học thuyết phân quyền, theo đó, quyền lực tư pháp có trọng tâm là hoạt động xét xử mà chủ thể thực hiện duy nhất là tòa án, một số khác xác định quyền tư pháp còn có thể được thực hiện bởi một số chủ thể khác như cơ quan công tố hoặc cơ quan điều tra. Ở khía cạnh thứ hai, quyền lực tư pháp cũng được xem xét trên phương diện nội dung hoạt động, theo đó, có thể chỉ gồm hoạt động xét xử của tòa án hoặc rộng hơn.

 

Mục đích của kiểm soát quyền lực tư pháp là theo dõi, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng và thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp nhằm đảm bảo quyền lực tư pháp được thực thi theo Hiến pháp và pháp luật. Kiểm soát quyền lực tư pháp và độc lập của quyền tư pháp không phủ nhận lẫn nhau do đều xuất phát từ mục tiêu đảm bảo tính đúng đắn trong việc thực hiện quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền con người.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (thứ hai từ trái sang) trình bày tham luận

 

Theo tác giả, các yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát quyền lực tư pháp trong Nhà nước pháp quyền bao gồm: chế độ chính trị, chất lượng của hệ thống pháp luật, chất lượng nguồn nhân lực và mức độ minh bạch của hoạt động tư pháp.

 

Tiếp theo, tọa đàm lắng nghe tham luận “Hoạt động giám sát thực hiện quyền tư pháp của cơ quan quyền lực nhà nước ở Việt Nam” của ThS. Cao Thị Lê Thương. Từ việc xác định chủ thể và nội dung của quyền tư pháp, tác giả cho rằng, thực hiện quyền tư pháp là việc Tòa án nhân dân tiến hành hoạt động xét xử để đưa ra các phán quyết mang tính quyền lực về những tranh chấp, vi phạm pháp luật, bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, chấp hành nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

 

Ở Việt Nam, các cơ quan quyền lực nhà nước bao gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân. Trong những năm qua, các cơ quan này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giám sát thực hiện quyền tư pháp trên các phương diện: (i) Thẩm tra, cho ý kiến và xem xét báo cáo công tác hằng năm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (ii) Tổ chức các đoàn giám sát để thực hiện việc giám sát hoạt động tư pháp của các cơ quan trung ương và địa phương; (iii) Giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhằm giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

ThS. Cao Thị Lê Thương trình bày tham luận

 

Về hình thức tổ chức các đoàn giám sát để thực hiện việc giám sát hoạt động tư pháp của cơ quan trung ương và địa phương, bài viết nhìn nhận, việc tổ chức các đoàn giám sát là điều kiện để các cơ quan quyền lực nhà nước có căn cứ thực tiễn đánh giá hiệu lực, hiệu quả, sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn; chất lượng, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Đó là điều kiện để phát hiện sự bất cập, sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tư pháp để xem xét sửa đổi và hoàn thiện. Tuy nhiên, vai trò của các cơ quan này thông qua việc tổ chức đoàn giám sát vẫn cần tiếp tục nghiên cứu về cơ chế, chính sách pháp luật như phạm vi thẩm quyền, hiệu quả pháp lý đối với việc giám sát giải quyết các vụ án cụ thể để làm rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc thực thi, áp dụng pháp luật đồng thời vẫn phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp.

 

Tuy vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong cách nhận thức về quyền tư pháp do đặc thù về hệ thống chính trị của nước ta, nhưng hội thảo thống nhất rằng chủ thể duy nhất có quyền tư pháp là Tòa án. Hoạt động tư pháp là họat động của Tòa án và của các cơ quan khác như công tố, điều tra, thi hành án… Các hoạt động này nằm bên ngoài khái niệm về quyền tư pháp

 

Theo TS. Phạm Thị Thúy Nga, để giám sát hoặc kiểm soát quyền tư pháp thì cần xác định được nội dung của quyền này. Theo đó, dù có nhiều cách phân chia khác nhau nhưng nhìn chung, các nhà khoa học xác định thành 4 nhóm quyền cơ bản: (i) Xét xử, giải thích pháp luật, (ii) Giải thích hiến pháp và bảo vệ hiến pháp; (iii) Kiểm soát quyền lập pháp và quyền hành pháp; (iv) Kiểm tra tính hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, để kiểm soát quyền tư pháp thì cần liên hệ 4 nhóm quyền này với các yếu tố ảnh hưởng đến quyền tư pháp mà TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã chỉ ra ở trên để có được cơ chế kiểm soát quyền tư pháp hiệu quả nhất.

 

Cũng thảo luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Linh Giang đặt câu hỏi, ở các quốc gia khác việc kiểm soát quyền tư pháp được thực hiện bằng cách nào và việc kiểm soát ấy có mâu thuẫn với nguyên tắc độc lập xét xử hay không? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS. Đinh Thị Mai phân tích mô hình tư pháp của một số nước, trong đó có Hoa Kỳ. Theo đó, ở Hoa Kỳ, không có một cơ quan nào đứng trên để kiểm soát quyền tư pháp và không có một trình tự nào để xét lại các bản án. Việc kiểm soát được thực hiện trong các trình tự gọi là trình tự tố tụng song song, dùng chính thủ tục để kiểm soát lại nội dung, kết quả của hoạt động tư pháp.

 

PGS.TS. Đinh Thị Mai

 

Tham luận tiếp theo tại hội thảo là của PGS.TS. Đinh Thị Mai, “Xu hướng vận động, phát triển của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới”. Bài viết đưa ra mô hình tư pháp của một số quốc gia trên thế giới và gợi mở những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Tác giả cũng chỉ ra và phân tích về quan điểm, sự phát triển trong thực tiễn cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp trong thời gian qua: quan niệm về quyền tư pháp; đặc tính phổ quát và đặc thù của quyền tư pháp; tính độc lập của quyền tư pháp; tính thống nhất và tính phối hợp của quyền tư pháp; tính kiểm soát của quyền tư pháp đối với các quyền lực nhà nước khác.

 

Từ đó, PGS.TS. Đinh Thị Mai đề xuất một số kiến nghị về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN qua nhiều phương diện. Trong đó, về phương diện chính trị, chúng ta cần phải coi trọng, đề cao quyền tư pháp đúng thực chất như vốn có của nó trong cơ chế quyền lực chính trị với một Đảng cầm quyền cũng như cần có đại diện của quyền tư pháp trong Bộ Chính trị đồng thời đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện quyền tư pháp (đổi mới chiến lược phát triển tư pháp phù hợp với vai trò, đặc trưng, nội dung của quyền tư pháp; chỉ đạo tích cực, sát sao việc đào tạo đội ngũ thẩm phán đáp ứng các đòi hỏi cao về đạo đức, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và các đòi hỏi khác).

 

Sau đó, hội thảo lắng nghe tham luận của NCS. Trần Tuấn Minh về xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ số dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới. Tác giả đã phân tích cách thức hoạt động của Tòa án điện tử ở Canada, Trung Quốc và một số quốc gia khác từ đó chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quy trình vận hành và gợi mở cho Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Tiến Đức (đứng) bình luận tại hội thảo

 

Bình luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Đức cho biết, một số quốc gia có xu hướng phát triển tòa án hoặc cơ quan tư pháp, đây là cơ quan có tiếng nói cuối cùng trong các vụ việc liên quan đến vi phạm hiến pháp. Tòa án xét xử dựa trên hiến pháp và pháp luật. Một số chính thể có quyền kiểm soát nghị viện có thể đề xuất sửa đổi hiến pháp. Đây là một trong những cách để kiểm soát tòa án, kiểm soát quyền tư pháp. Ở một khía cạnh khác, vậy căn cứ nào để cơ quan tư pháp có tiếng nói liên quan đến vấn đề đã được quyết định bởi nghị viện dựa trên ý kiến đa số hay ý chí tập thể đại diện cho người dân cũng là câu hỏi nhận được nhiều tranh luận từ giới nghiên cứu.

 

Hội thảo cũng đón nhận các ý kiến trao đổi, bình luận của TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Bùi Đức Hiển, TS. Lê Thương Huyền, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và các nhà khoa học khác.

Các tin cùng chuyên mục: