•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay”

14/10/2019
Ngày 3/10/2019, Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức hội thảo tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài do TS. Phan Thanh Hà là chủ nhiệm. Các thành viên đề tài và một số chuyên gia đã được mời tham gia hội thảo.

TS. Phan Thanh Hà

 

Mở đầu, TS. Phan Thanh Hà giới thiệu tóm tắt tính cấp thiết, tổng quan tình hình nghiên cứu, mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài. Quan hệ giữa Nhà nước và công dân luôn là mối quan hệ chính trị - pháp lý quan trọng nhất ở bất kỳ quốc gia nào. Trong thời đại ngày nay, sự phát triển các giá trị văn minh, dân chủ dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vai trò, chức năng của Nhà nước hiện đại, đánh dấu bằng sự chuyển đổi mô hình Nhà nước từ cai trị, điều hành sang Nhà nước phục vụ, Nhà nước kiến tạo phát triển… Một loạt các lý thuyết mới về vai trò, chức năng của nhà nước ra đời như tính chính đáng của Nhà nước, quản trị tốt,… cũng ảnh hưởng đến nội dung của mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong mỗi quốc gia.

 

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nhu cầu đảm bảo và phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong quá trình hội nhập và phát triển ở Việt Nam cũng đặt ra những nội dung mới cần được giải quyết cả về lý luận và thực tiễn liên quan tới mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

TS. Phan Thanh Hà cũng nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện đề tài. Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân khá dầy dặn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, chính điều này cũng là thách thức cho nhóm nghiên cứu để làm sao tìm ra sự mới mẻ so với các công trình nghiên cứu trước đây cũng như thể hiện được tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài trong điều kiện hiện nay. Hội thảo được tổ chức với mong muốn những ý kiến đóng góp của các thành viên và chuyên gia về các hướng tiếp cận, nội dung, cơ cấu, cách thức triển khai nhằm bổ sung, hoàn thiện hơn cho  đề tài.

 

Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung nghiên cứu của đề tài được chia thành 3 chương:

  • Chương 1: Những vấn đề lý luận cơ bản về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân;
  • Chương 2: Thực trạng mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay;
  • Chương 3: Giải pháp hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay.

GS.TS. Phan Trung Lý trao đổi tại hội thảo

 

Trao đổi tại hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để thể hiện rõ cụm từ “hiện nay” trong tên đề tài thì nội dung các chuyên đề cần sâu hơn, thể hiện rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trên bình diện của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Mối quan hệ này chắc chắn sẽ rộng hơn quyền và nghĩa vụ giữa Nhà nước và công dân. Vì thế, đề tài cần chú ý đến cách thức ghi nhận cũng như thể chế hóa mối quan hệ này như thế nào. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề quốc tịch – vốn là cơ sở pháp lý quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở mỗi quốc gia.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương (Viện Nhà nước và Pháp luật) chia sẻ với ý kiến của GS.TS. Phan Trung Lý. Theo bà, đề tài cần phải làm rõ bản chất cũng như nội dung của mối quan hệ này. Điểm nhấn của đề tài nằm ở Chương 2. Chương này cần được thiết kế thành 3 phần: (i) Thực trạng nhận thức mối quan hệ; (ii) Thực trạng thể chế mối quan hệ; (iii) Thực tiễn vận hành mối quan hệ.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh (bên trái) và PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh

 

Một trong những đạo luật thể hiện rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân là Luật Quốc tịch. Theo PGS.TS. Lê Mai Thanh (Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật), Luật Quốc tịch đang có những bất cập trong pháp luật hiện hành và trong thực thi. Pháp luật chưa ghi nhận đầy đủ vấn đề quốc tịch. Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong xử lý. Những khó khăn này xảy ra là do mối quan hệ về quốc tịch rất phức tạp, không chỉ dựa trên vấn đề pháp lý mà còn là các yếu tố triết học, gia đình, xã hội, văn hóa… Đồng tình với những ý kiến trên, TS. Phan Thanh Hà nhìn nhận, đề tài cần bổ sung một chuyên đề riêng phân tích về quốc tịch.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh (Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội) góp ý về những vấn đề mà đề tài cần tập trung nghiên cứu hoặc tiếp cận dưới những khía cạnh mới như: khái niệm công dân (liệu chỉ gói gọn ở cá nhân hay còn mở rộng đối với pháp nhân, tập thể), cơ chế bảo hộ pháp lý đối với công dân; cơ chế dân nguyện; trách nhiệm giải trình của Nhà nước; quyền tập thể... Một vấn đề mới được PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh nhắc đến là chủ quyền cá nhân. Đây là vấn đề đang được các nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh thảo luận tại hội thảo

 

Nhìn nhận về đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, chủ đề của đề tài tuy mang tính truyền thống nhưng vẫn rất thời sự. Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân theo từng giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Về mặt lý luận, đề tài cần chú trọng nghiên cứu những vấn đề lý luận cấp bách đặt ra trong mối quan hệ này vào thời điểm hiện nay. Góp ý về chuyên đề thuộc Chương 2, “Các nguyên tắc xác lập, thực hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay”, ông đề xuất đề tài cần bổ sung thêm một nguyên tắc rất quan trọng nữa là nguyên tắc pháp quyền.

 

Bàn về cách triển khai chuyên đề thuộc Chương 1, “Nội dung mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân”, GS.TS. Phan Trung Lý góp ý, người viết nên khai thác mối quan hệ này theo các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội... để làm rõ các nội dung trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

Tại hội thảo, đề tài cũng nhận được những ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), ThS. Cao Việt Thăng và NCV. Lê Quang Thưởng (Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Phan Thanh Hà cám ơn những trao đổi, góp ý, gợi mở quý báu của các nhà khoa học về nội dung cũng như cách thức triển khai đề tài. Chủ nhiệm đề tài khẳng định sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện, cùng các thành viên triển khai đề tài theo đúng tiến độ và hi vọng sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Các tin cùng chuyên mục: