•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật quốc tế điều chỉnh các hoạt động chiến tranh phức hợp”

11/09/2023
Đây là hoạt động khoa học của Đề tài cấp Bộ “Áp dụng pháp luật quốc tế trong phòng ngừa, giải quyết chiến tranh phức hợp” do TS. Nguyễn Linh Giang là chủ nhiệm. Hội thảo diễn ra ngày 31/08/2023 tại Hội trường tầng 2, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Linh Giang chủ trì hội thảo

 

Tham gia hội thảo có các nhà khoa học đến từ Ban Nội chính Trung ương, Học viện Ngoại giao, các thành viên đề tài và nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Mở đầu, hội thảo lắng nghe tham luận “Khái niệm và đặc điểm của chiến tranh phức hợp” của TS. Nguyễn Linh Giang, Chủ nhiệm đề tài trình bày. Tác giả cho biết, chiến tranh phức hợp (CTPH) là một dạng chiến tranh mới, khó nhận biết và rất nguy hiểm, diễn ra theo cả hai hình thức quân sự và phi quân sự trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội và sử dụng các công cụ công nghệ mới. Ngoài ra, CTPH không chỉ là hoạt động của một quốc gia chống lại một quốc gia khác mà đôi khi còn là hoạt động của nhiều quốc gia chống lại một quốc gia hoặc chủ thể tham gia có thể là phi quốc gia chứ không phải quốc gia cụ thể nào. Trong thời đại công nghệ số, CTPH gắn với an ninh mạng thì càng trở nên phức tạp và khó ngăn chặn. Điều này nói lên sự nguy hiểm của loại hình chiến tranh mới này.

 

Về mặt lý luận, CTPH là một thuật ngữ mới trong khoa học quân sự và khoa học quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm về CTPH chưa xuất hiện và được làm rõ trong pháp luật quốc tế dù các học giả, chiến lược gia trên thế giới đã gọi tên và đưa ra những quan điểm, định nghĩa khác nhau về CTPH. Có thể thấy, nhìn nhận từ góc độ ngữ nghĩa thì CTPH là cuộc chiến tranh kết hợp nhiều phương thức khác nhau cả quân sự và phi quân sự, ám chỉ một hoặc nhiều chủ thể có thể là quốc gia hoặc phi quốc gia sử dụng đa dạng các nguồn lực, các phương thức để gây sức ép đến một hoặc một số quốc gia khác nhằm mục địch quấy rối, gây bất ổn về chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo… thậm chí để thay đổi thể chế chính trị. Đặc biệt, CTPH khác với các hình thức chiến tranh bạo lực thông thường là có sự tham gia sâu rộng của các chủ thể phi quân sự gây ảnh hưởng rõ ràng vào các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của một hoặc một số quốc gia khác mà đôi khi các quốc gia này không nhận ra.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

TS. Nguyễn Linh Giang viện dẫn các quan điểm, cách nhìn nhận của các học giả và một số tổ chức, quốc gia trên thế giới như Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO về CTPH. Việc hiểu khái niệm cũng như đặc điểm của nó sẽ giúp nhận diện được CTPH và có hành động phù hợp nhằm ngăn chặn hình thức chiến tranh này và duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Dựa trên quá trình tìm hiểu các quan điểm, phân tích của các học giả, tổ chức nêu trên, đề tài chỉ ra sáu đặc điểm của CTPH, đó là: (i) CTPH được đặc trưng bởi khả năng chuyển đổi từ phương tiện truyền thống sang phi truyền thống, từ dạng này sang dạng khác để đạt được mục tiêu đề ra; (ii) CTPH diễn ra âm thầm, lặng lẽ, đôi khi khó nhận biết; (iii) CTPH gắn liền với hoạt động thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông; (iv) Chủ thể là nhà nước hoặc phi nhà nước; (v) Sử dụng công nghệ hiện đại, đa dạng là yếu tố nổi trội; (vi) Khó có căn cứ pháp lý để xác định hành vi tấn công. Trong đó, đặc điểm cuối cùng hiện là lỗ hổng và cũng là thách thức trong pháp luật quốc tế khi chưa có căn cứ rõ ràng để xác định chủ thể nào chịu trách nhiệm khi thực hiện hành vi tấn công.

 

Tham luận tiếp theo tại hội thảo là của NCS. Trần Tuấn Minh về “Các phương thức và lĩnh vực tiến hành CTPH”. Như đã biết, có hai phương thức chính trong CTPH là hoạt động quân sự và phi quân sự. Phương thức phi quân sự trong CTPH có nhiều hình thức khác nhau: chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh pháp lý, chiến tranh môi trường, chiến tranh kinh tế - thương mại… Trong đó, với chiến tranh công nghệ cao thì công nghệ được sử dụng phổ biến, là phương tiện chủ yếu, có vai trò quyết định trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Hình thức này gây bất ổn cho đối thủ, khai thác những lỗ hổng trong hệ thống công nghệ mà không cần kiểm soát lãnh thổ của đối phương. Về hình thức chiến tranh kinh tế - thương mại, có nhiều cách được đưa ra như ném bom vào cơ sở hạ tầng, nhà máy hoặc thực hiện các biện pháp kinh tế như cấm vận thương mại, tẩy chay hàng hóa của quốc gia khác, áp đặt các hạn chế thương mại, cấm xuất khẩu…

 

TS. Nguyễn Thị Lan Hương (giữa) và NCS. Trần Tuấn Minh (bên trái)

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe tham luận “Phòng ngừa và giải quyết các vấn đề liên quan đến CTPH” của TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Học viện Ngoại giao). Bài viết tiếp cận theo hướng tìm hiểu một số tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới nhìn nhận thế nào về CTPH, kinh nghiệm của họ trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề liên quan đến CTPH với các nội dung: Biểu hiện của CTPH, nhận diện và xác định những tình huống dẫn đến CTPH để từ đó đưa ra cách ứng phó, tìm ra mục tiêu của các chủ thể tham gia vào các hoạt động của CTPH. Các quốc gia khi nhận diện các biểu hiện của CTPH cần có chiến lược tổng thể với sự phối hợp của nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước để ứng phó. Dưới góc độ pháp lý, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, hiện có những vấn đề về CTPH chưa được quy định rõ thì trong tương lai cần đưa ra các án lệ để điều chỉnh, chẳng hạn có những vùng xám trong luật biển quốc tế khi chưa quy định rõ thế nào là hoạt động quân sự hay hoạt động thực thi pháp luật trên biển…

 

Sau đó, PGS.TS. Lê Mai Thanh trình bày báo cáo có tiêu đề “CTPH và khái niệm “vũ lực” trong pháp luật quốc tế”. Đầu tiên, tác giả chia sẻ những quan điểm, ý kiến về khái niệm, biểu hiện CTPH của một số học giả trên thế giới từ sơ khai cho đến hiện nay. Còn về “vũ lực”, thuật ngữ này đã được nhận diện và điều chỉnh trong các quy định của pháp luật quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc (Khoản 4 Điều 3, Điều 51) cũng như trong tập quán quốc tế. Tuy nhiên, khái niệm “vũ lực” khó có thể xác định được trong CTPH khi vẫn còn những kẽ hở trong việc nhận diện khái niệm “vũ lực” theo tiêu chí về chiến tranh. Để xác định mức độ xung đột, nhận diện về CTPH thì cần thiết vận dụng Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc quy định về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia, bảo đảm sự toàn vẹn về chủ quyền của các quốc gia cũng như phân tích dựa trên một số nguyên tắc khác. Việc này sẽ dễ thuyết phục, tạo sự đồng thuận hơn giữa các nhà khoa học cũng như giới quân sự khi nhìn nhận về CTPH. Tác giả đưa ra một số ví dụ về việc truyền thông nhận định về sự can thiệp từ bên ngoài vào hệ thống điều hành của Chính phủ tại một số nước.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh báo cáo kết quả nghiên cứu

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Tiến Đức trình bày tham luận về “Nguồn luật quốc tế điều chỉnh CTPH”. TS. Tiến Đức cho rằng, có 2 ngành luật chính điều chỉnh hình thức chiến tranh này, đó là: Luật về sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và luật về xung đột vũ trang. Trong đó, luật về sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế ra đời để điều chỉnh, đánh giá xem liệu việc sử dụng vũ lực là hành vi hợp pháp hay không, còn luật về xung đột vũ trang hướng tới bảo vệ các đối tượng không tham gia vào chiến tranh hay cuộc xung đột vũ trang như dân thường, tù binh chiến tranh cũng như hạn chế sử dụng vũ khi sát thương quá lớn. Về nguồn luật cụ thể, căn cứ vào Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế, bài viết đưa ra các công ước trong luật nhân đạo quốc tế điều chỉnh về xung đột vũ trang như Công ước Geneve 1949 và hơn 30 điều ước quốc tế đa phương cùng với các tập quán quốc tế.

 

Tham luận cuối của hội thảo là của ThS. Bùi Thị Hường về “Các quy định pháp luật quốc tế về ngăn ngừa chiến tranh”.

 

ThS. Bùi Thị Hường, TS. Nguyễn Tiến Đức và TS. Hoàng Diệu Thúy (từ trái sang phải)

 

Trao đổi tại hội thảo, TS. Hoàng Diệu Thúy (Ban Nội chính Trung ương) cho biết, chủ đề hội thảo là vấn đề mới và cảm thấy rất thích thú khi được nghe báo cáo của các nhà khoa học liên quan đến phần lý luận. Nội dung này sẽ giúp TS. Hoàng Diệu Thúy nhận diện và hiểu được về CTPH để từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện phần ba về những gợi ý cho Việt Nam trong việc nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động CTPH. 

 

ThS. Nguyễn Thu Dung đặt câu hỏi về dấu hiệu nhận biết của CTPH và cách nhận diện về CTPH trong lĩnh vực kinh tế. Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, để xác định được có CTPH hay không là không dễ dàng và mất nhiều thời gian. Để nhận diện được hoạt động CTPH thì cần phải đi sâu tìm hiểu theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, một số quốc gia và tổ chức áp dụng các trừng phạt kinh tế để trấn áp quốc gia khác như tình hình thực tế trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Liệu các hình thức trừng phạt kinh tế nêu trên có phải là hoạt động của CTPH hay không?

 

Hội thảo cũng nhận được các ý kiến thảo luận của các nhà khoa học khác. Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang cám ơn các diễn giả, nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận, tham gia và thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến đề tài. Chủ nhiệm đề tài mong muốn các thành viên sớm hoàn thành chuyên đề và phấn đấu đưa các bài viết này được đăng trên các tạp chí khoa học. 

Các tin cùng chuyên mục: