•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Quản trị nhà nước ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

03/07/2020
Ngày 25/6/2020, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, đã diễn ra hội thảo khoa học của Đề tài cấp Bộ “Quản trị nhà nước trong quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay” do PGS.TS. Vũ Thư là chủ nhiệm. Các thành viên đề tài và một số nhà khoa học của Viện đã tham gia hội thảo.

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Vũ Thư (thứ ba từ trái sang) và các nhà khoa học tại hội thảo

 

Mở đầu, PGS.TS. Vũ Thư báo cáo tổng quan mục tiêu, nội dung nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu của đề tài, trong đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất các giải pháp về cách thức sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý các nguồn lực phục vụ hiệu quả cho phát triển đất nước.

 

Để làm được điều này, Chủ nhiệm đề tài mong muốn hội thảo chỉ ra được thực trạng các yếu tố quản trị nhà nước tốt ở Việt Nam hiện nay, qua đó đánh giá được mức độ thể hiện, đạt được về quản trị nhà nước tốt; đánh giá về cách thức, con đường đi tới quản trị nhà nước tốt. Từ đó, chỉ ra các hạn chế, khiếm khuyết của quá trình xây dựng và vận hành quản trị nhà nước ở nước ta. Từ thực tiễn xây dựng và vận hành quản trị nhà nước ở nước ta hiện nay, với các ưu điểm và hạn chế được nhìn nhận và phân tích cụ thể, đề tài đề xuất các giải pháp cơ bản, có tính toàn diện, hệ thống, đồng bộ và sát với điều kiện thực tế về cách thức sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý các nguồn lực để phát triển đất nước.

 

Mặc dù quản trị quốc gia/quản trị tốt là một thuật ngữ đã được dùng phổ biến song hiện nay có nhiều quan niệm về chủ đề này. Một số tổ chức quốc tế đã đưa ra định nghĩa về quản trị như Ngân hàng Thế giới, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á,... Để tạo sự thống nhất về cách nhìn nhận khái niệm “quản trị quốc gia” khi các thành viên thực hiện chuyên đề, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, quản trị quốc gia là cách thức sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý nhà nước nhằm sử dụng tốt nhất các nguồn lực để phát triển đất nước.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị phân tích 04 yếu tố đặc trưng của quản trị nhà nước trong thực tiễn tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước ở Việt Nam: (i) Tính minh bạch; (ii) Trách nhiệm giải trình; (iii) Sự tham gia của người dân; (iv) Pháp quyền.

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, xây dựng nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành cùng với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa - xã hội. Việt Nam đã từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp năm 2013 và nhiều Bộ luật, Luật, Pháp lệnh đã được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Một yếu tố tích cực của quản trị nhà nước ở nước ta trong thời gian gần đây là sự tham gia của người dân. Dân chủ về chính trị đã có bước tiến quan trọng, thể hiện ở việc bầu các cơ quan dân cử, ở chất lượng sinh hoạt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tại các cuộc thảo luận của nhân dân tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, trong hoạt động của báo chí...

 

Theo một số báo cáo đã được công bố, ngoài việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, trên 95% xã, phường, thị trấn thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, đóng góp của dân, công khai các phương án sản xuất, việc giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, địa chính, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng; chế độ cho các đối tượng chính sách đã được công khai hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hiện vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải xử lý như một số địa phương, tổ chức triển khai chậm; không ít địa phương, cơ sở tiến hành một cách hình thức, cấp trực tiếp thiếu chỉ đạo hướng dẫn cụ thể cho từng cơ sở; thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính chậm, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên; ở một số nơi thực hiện kỷ cương pháp luật chưa nghiêm.

 

Bình luận về yếu tố trách nhiệm giải trình, TS. Đinh Thế Hưng cho rằng, đây là nghĩa vụ của cán bộ, công chức nhưng còn là đạo đức công vụ, tức là khi chính họ tự nhận thấy cần giải thích cho người dân thì phải chủ động giải trình. Trên thực tế, các cán bộ, công chức, nhất là các cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương đã thực hiện trách nhiệm này trước nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng giải trình của các cán bộ, cơ quan nhà nước ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do ý thức, tinh thần tiếp thu ý kiến của dân và lề lối làm việc thiếu trách nhiệm, mức độ sửa chữa các thiếu sót, sai lầm không cao của các cơ quan nhà nước ở nhiều nơi.

 

Sau đó, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và CN. Vũ Hoàng Dương đã trình bày các tham luận liên quan đến các vấn đề về dân chủ và thực trạng minh bạch trong quản trị nhà nước ở Việt Nam.

 

Hội thảo cũng đã nhận được những ý kiến, trao đổi, thảo luận của TS. Phan Thanh Hà, ThS. Nguyễn Thu Dung, ThS. Cao Việt Thăng và các nhà khoa học khác về các nội dung khác của đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: