•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Thực trạng pháp luật kinh tế Việt Nam và giải pháp hoàn thiện”

14/06/2022
Ngày 08/06/2022, tại Hội trường tầng 1 trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Hội thảo cấp Viện “Thực trạng pháp luật kinh tế Việt Nam và giải pháp hoàn thiện”.

TS. Phạm Thị Thúy Nga (bên phải) và TS. Phạm Thị Hương Lan đồng chủ trì hội thảo

 

Tham dự hội thảo có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng), TS. Trần Văn Biên (Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) và đông đảo cán bộ, viên chức Viện Nhà nước và Pháp luật. Chủ trì hội thảo là TS. Phạm Thị Thúy Nga và TS. Phạm Thị Hương Lan (Trưởng phòng Luật Kinh tế).

 

Mở đầu hội thảo là phát biểu đề dẫn của TS. Phạm Thị Hương Lan. Tiếp theo, TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu khai mạc hội thảo. TS. Phạm Thị Thúy Nga cho biết, các vấn đề về pháp luật kinh tế Việt Nam đã được nêu cụ thể trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Đảng đã chỉ ra 05 định hướng chính để hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, đó là:

  • Đổi mới mô hình tăng trưởng;
  • Cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện các loại thị trường (đất đai, lao động,…);
  • Yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
  • Yêu cầu hoàn thiện nền kinh tế thị trường, xây dựng nền kinh tế hiện đại đáp ứng định hướng xã hội chủ nghĩa;
  • Hoàn thiện pháp luật gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tham luận đầu tiên do TS. Phạm Thị Hương Lan trình bày có tiêu đề “Hoàn thiện pháp luật kinh tế - Một số yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới”. Sau khi chỉ ra những thành tựu đã đạt được của pháp luật kinh tế trong thời gian qua, tác giả đã đề xuất và phân tích những yêu cầu đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật kinh tế trong thời gian tới. Một trong số đó là cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xác định mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Bởi lẽ, hiện nay, Nhà nước đang can thiệp khá sâu vào việc điều hành thị trường. Việc này là không phù hợp, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò điều tiết thị trường. Ngoài ra, theo TS. Hương Lan, để hoàn thiện pháp luật kinh tế thì Nhà nước cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kinh tế theo hướng khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra hàng ngày.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày tham luận

 

Tiếp theo, Hội thảo lắng nghe ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày tham luận về các xu hướng mới trong pháp luật kinh tế. Một số vấn đề được ThS. Bạch Dương phân tích, bình luận là: (i) Chính sách trọng thương, trợ giá, bảo hộ và sự điều tiết của Nhà nước trong giai đoạn tới; (ii) Hệ thống pháp luật kinh tế liên quan đến việc bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế; (iii) Sự hình thành hệ thống pháp luật kinh tế trong thời gian tới với những điều kiện mới là điều tất yếu; (iv) Nền tư pháp độc lập sẽ đem lại những giá trị to lớn cho nền kinh tế;…

 

Trao đổi tại hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga cho rằng, để đảm bảo xu hướng phát triển pháp luật kinh tế thì phải tiệm cận xu hướng phát triển kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. TS. Thúy Nga cũng bình luận về vấn đề di cư của người lao động toàn cầu, quyền của người lao động. Chẳng hạn, về vấn đề bảo vệ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, hiện nay chỉ khi có được thông tin quyền của người lao động bị xâm hại thì chúng ta mới thực hiện các hoạt động bảo vệ. Vì thế, cần phải đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền của người lao động.

 

TS. Đinh Thế Hưng trao đổi, thảo luận tại hội thảo

 

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Luật Hình sự) trao đổi về vai trò của pháp luật  hình sự trong thể chế kinh tế thị trường. Ông cho rằng, pháp luật hình sự đóng vai trò canh giữ, bảo vệ nền kinh tế bằng các quy định về trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm. Hiện nay, Nhà nước đang can thiệp quá mức vào các quan hệ kinh tế, thể hiện ở các quy định, điều luật liên quan đến hình sự hóa các quan hệ kinh tế. TS. Đinh Thế Hưng đề xuất một số giải pháp để đóng góp cho sự phát triển kinh tế:

  • Tội phạm hóa và phi tội phạm hóa;
  • Trách nhiệm hình sự: nên hạn chế hình phạt tù và thay thế bằng các hình phạt khác;
  • Bỏ tội cho vay nặng lãi khỏi Bộ luật Hình sự;
  • Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự.

Tiếp theo, ThS. Phạm Thị Hiền trình bày tham luận “Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay và những vấn đề đăt ra”. Bài viết đưa ra khái niệm, các quy định pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh năm 2018, Nghị định số 75/2019/NĐ-CP và thực tiễn thực hiện pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Từ đó, bài viết nhận định, những vụ việc xảy ra đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra; thực tiễn thực hiện pháp luật nửa vời, hiệu quả thấp; Luật Cạnh tranh không đi vào cuộc sống, môi trường cạnh tranh không được đảm bảo.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Để hạn chế tình trạng trên, ThS. Phạm Thị Hiền đề xuất, cần ban hành sớm Nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Dự thảo Nghị định này đã được đưa ra từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Nếu Nghị định này không được ban hành, cần nghiên cứu trong Luật Cạnh tranh quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đủ cơ sở để tiến hành điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng chưa để có giải pháp xử lý.

 

Ngoài các tham luận trên, Hội thảo cũng đã lắng nghe báo cáo “Chính sách, pháp luật về kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Nguyễn Thu Dung. Hội thảo cũng đón nhận những ý kiến, trao đổi, thảo luận của PGS.TS. Lê Mai Thanh, TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Hoàng Kim Khuyên và các nhà khoa học khác về các vấn đề như: quyền con người và doanh nghiệp, quy định của luật quốc tế về pháp luật kinh tế, chính sách an sinh xã hội,…

Các tin cùng chuyên mục: