•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Tổng quan hoạt động xây dựng pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong 10 năm”

03/10/2023
Đây là hoạt động khoa học của Đề tài cấp Bộ, Báo cáo thường niên “Đánh giá 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013”, do Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì, TS. Lê Thương Huyền làm chủ nhiệm. Hội thảo được tổ chức ngày 25/09/2023 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tham gia hội thảo có Lãnh đạo Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên đề tài và đông đảo nhà khoa học trong Viện.

 

Chương trình hội thảo bao gồm 04 tham luận:

  • Đánh giá thực tiễn hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 – TS. Lê Thương Huyền
  • Đánh giá 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 về bộ máy nhà nước – PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội);
  • Đánh giá 10 năm triển thi hành Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân - TS. Nguyễn Linh Giang
  • Cơ chế bảo vệ Hiến pháp: kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam – ThS. Lê Phương Hoa  

Mục tiêu của Đề tài là nhằm tổng kết, đánh giá khái quát hiệu quả việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (Hiến pháp) và đánh giá hiệu quả triển khai trên một số chế định cơ bản của Hiến pháp trong 10 năm gần đây liên quan đến: Xây dựng pháp luật, đổi mới bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Đây là những chế định cốt lõi của một bản hiến pháp, đồng thời cũng là những điểm mới mang tính đột phá của Hiến pháp. Bên cạnh đó, Đề tài sẽ đưa ra các định hướng chủ yếu để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp.

 

Chủ nhiệm đề tài, TS. Lê Thương Huyền đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Đánh giá khái quát về hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp, TS. Lê Thương Huyền cho biết, Đề tài đã thực hiện việc đánh giá về các chủ trương, kế hoạch, biện pháp của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai thi hành Hiến pháp: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 03/01/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội, Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Cùng với đó, Đề tài đã đánh giá thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp. Về mặt hạn chế, cho đến lúc này, Nhà nước vẫn chưa ban hành 18 đạo luật và 01 pháp lệnh so với yêu cầu được quy định trong Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13. Chất lượng một số đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật không cao, sớm phải sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng...

 

Các thành viên đề tài đã tập trung phân tích, đánh giá và bước đầu đưa ra các giải pháp để triển khai thi hành hiệu quả Hiến pháp, đó là: Tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các nội dung mới trong Hiến pháp (bãi nhiệm, Tòa án từ chối áp dụng pháp luật, cơ chế bảo hiến…); nâng cao chất lượng các đạo luật và văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành luật; nghiên cứu các văn bản pháp luật của một số quốc gia trên thế giới liên quan đến các nội dung chưa được cụ thể hóa trong Hiến pháp; xây dựng chính sách và dự án luật; chỉnh sửa, hoàn thiện những bất cập trong quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước.

 

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn trình bày tham luận

 

Hội thảo tiếp tục diễn ra với tham luận “Đánh giá 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp về bộ máy nhà nước” của PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bài viết tập trung vào việc đánh giá thi hành Hiến pháp theo dạng thể chế với hai nguyên tắc: (i) Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; (ii) Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong từng cơ quan nhà nước.

 

Với nguyên tắc thứ nhất, mặt tích cực là Nhà nước đã ban hành rất nhiều các đạo luật và văn bản dưới luật, trong đó các đạo luật về tổ chức nhà nước đều được ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung. Các văn bản này đã làm rõ hơn sự phân công, phân nhiệm và sự kiểm soát về nhiệm vụ, quyền hạn giúp thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như bảo đảm, bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Bên cạnh những mặt tích cực, tác giả cũng nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, cụ thể là:

  • Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về phân công, phối hợp, kiểm soát có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng;
  • Chưa có quy định đầy đủ, hệ thống và cân bằng trong kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;
  • Chưa nhấn mạnh và củng cố việc rà soát xã hội;
  • Thiếu cơ chế pháp lý đối với việc kiểm soát quyền lực của Đảng;
  • Chưa có quy định đầy đủ và khả thi về việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan.

Toàn cảnh hội thảo

 

Trong thực tiễn thi hành, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn chỉ ra hai ưu điểm chính, đó là: cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền ngày càng rõ ràng hơn, có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là khi có sự giám sát của Đảng; bộ máy nhà nước bước đầu có sự sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi thực thi vẫn còn những hạn chế, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực ở bên trong chưa được hoàn thiện, nâng cấp toàn diện mà mới ở mức sửa đổi theo hướng chắp vá. Hơn nữa, việc thực thi cơ chế này vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang có xu hướng chuyển việc này từ Nhà nước sang Đảng. Một hạn chế lớn nữa được bài viết chỉ ra là thực thi, bảo vệ Hiến pháp. Cho đến lúc này, sau 10 năm thi hành Hiến pháp, vẫn chưa có sự tổng kết hay ghi nhận về sự việc vi phạm Hiến pháp nào.

 

Từ những bất cập nêu trên, tác giả đề ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhằm thi hành hiệu quả Hiến pháp. Chẳng hạn, cần rà soát lại, làm rõ và giải thích để đảm bảo sự phù hợp giữa các nguyên tắc Hiến pháp như: Nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội hay nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất…; đây là những nguyên tắc có mối quan hệ với nhau và liên quan đến nhau. Một giải pháp khác để thi hành hiệu quả Hiến pháp là tiếp tục xây dựng và đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật, đánh giá sự phù hợp giữa đường lối của Đảng nêu trong Nghị quyết 27/NQ-TW với quy định của Hiến pháp.

 

TS. Nguyễn Linh Giang

 

Sau đó, TS. Nguyễn Linh Giang trình bày tham luận đánh giá 10 năm thi hành Hiến pháp về phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tham luận đã chỉ ra những thay đổi tích cực, 10 năm qua đối ngoại về nhân quyền đạt được nhiều thành công bởi lẽ Việt Nam đã 2 lần trúng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025. Năm 2014, Việt Nam đã trở thành thành viên của 2 công ước quan trọng về quyền con người là Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào Cơ chế Nhân quyền ASEAN, cùng các quốc gia trong khu vực đàm phán, soạn thảo các văn kiện quan trọng về nhân quyền. Sau khi Hiến pháp ban hành, nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến quyền con người phù hợp với Hiến pháp được ban hành, sửa đổi, bổ sung.

 

Tuy nhiên, việc thực thi quyền của người dân, đảm bảo dân chủ và quyền con người ở Việt Nam vẫn còn những vấn đề cần bàn đến. Căn cứ vào nhu cầu thực tế của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và là quốc gia chịu sự tác động lớn từ biến đổi khí hậu cũng như dựa vào các khuyến nghị về tình hình thực hiện quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và các ủy ban công ước Liên hợp quốc, tác giả đề xuất những vấn đề cần ưu tiên thực hiện là: Đảm bảo quyền bầu cử tự do và công bằng, quyền con người trong kinh doanh, giáo dục quyền con người, tiếp cận công lý, quyền không bị phân biệt đối xử, thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia. Để đáp ứng được các vấn đề ưu tiên này, một số đạo luật cần được sớm ban hành như luật biểu tình, luật về hội, luật chuyển đổi giới tính, luật về tình huống khẩn cấp, luật chống phân biệt đối xử, luật cơ quan nhân quyền quốc gia. Bài viết cũng đưa ra các giải pháp khác như: Thể chế hóa các quy định mới về quyền con người, quyền công dân bằng việc trao cho Tòa án thẩm quyền rộng hơn trong việc giải thích pháp luật và sáng tạo pháp luật khi các chủ thể vi phạm các nguyên tắc của Hiến pháp để đảm bảo thực hiện các quyền hiến định; xây dựng cơ quan chuyên trách về quyền con người theo mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia; tăng cường giáo dục quyền con người…

 

Tham luận thứ tư tại hội thảo là của ThS. Lê Phương Hoa, “Cơ chế bảo vệ hiến pháp: kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”. Tác giả giới thiệu các mô hình cơ chế bảo vệ hiến pháp ở một số quốc gia (Tòa án thường, Hội đồng hiến pháp, Tòa án hiến pháp, Nghị viện) cũng như phân tích thực trạng cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam. Từ đó, tham luận đề xuất một số kiến nghị để xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam.

 

Bình luận về ý kiến của PGS.TS. Đặng Minh Tuấn liên quan đến sự cân bằng trong kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, TS. Lê Thương Huyền nhìn nhận, hiện nay cơ chế kiểm soát quyền lực có bị tác động nhiều từ yếu tố chính trị hay không, việc xây dựng một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng có cần thiết không?

 

TS. Phan Thanh Hà (bên phải) trao đổi

 

Trao đổi tại hội thảo, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, Ủy ban Bầu cử Quốc gia là một chủ thể độc lập được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, chức năng, quyền hạn của cơ quan này vẫn bị hạn chế bởi Mặt trận Tổ quốc. Đề tài cần nghiên cứu để đưa ra kiến nghị.

 

Theo ThS. Nguyễn Thanh Tùng, nội dung các báo cáo tại hội thảo đã bao phủ gần như đầy đủ các vấn đề, lĩnh vực liên quan đến chủ đề của đề tài, nhất là những phân tích, luận giải về chính sách và các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, ThS. Thanh Tùng gợi ý, đề tài nên đưa ra sự so sánh, đánh giá giữa Hiến pháp năm 2013 với Hiến pháp năm 1992 về mức độ, hiệu quả triển khai thi hành để chỉ ra những điểm tích cực nào khi những quy định mới trong Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992 có tạo cú hích, thay đổi mới nào trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Các tin cùng chuyên mục: