•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Chi đoàn “Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2013”

21/07/2014
Sáng ngày 17/7/2014, Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức buổi sinh hoạt khoa học định kỳ với chủ đề “Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2013”. Báo cáo viên là ThS. Bùi Đức Hiển, nghiên cứu viên phòng Pháp luật Môi trường.

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013. Cho đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành một số nghị định để hướng dẫn thi hành luật này:

  • Nghị định 43/2014 ban hành ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
  • Nghị định 44/2014 ban hành ngày 15/5/2014 quy định về giá đất;
  • Nghị định 47/2014 ban hành ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

ThS. Bùi Đức Hiển, nghiên cứu viên phòng Pháp luật Môi trường (ngoài cùng bên trái).

 

Bình luận về những tồn tại, bất cập trong thi hành Luật Đất đai năm 2003, ThS. Bùi Đức Hiển chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

- Đất đai có nguồn gốc rất phức tạp; chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm rõ cơ sở khoa học, lý luận còn hạn chế.


- Pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được ban hành nhiều nhưng còn thiếu đồng bộ, có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa pháp luật đất đai với các pháp luật khác. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm.


- Tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai chưa nghiêm; một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu kém về năng lực, phẩm chất, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và bất bình trong nhân dân; việc thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý các hành vi sai phạm trong quản lý đất đai chưa kịp thời.


Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục khẳng định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Về người sử dụng đất, so với Luật Đất đai cũ, Luật mới đã bỏ chủ thể là cá nhân nước ngoài, còn chủ thể là tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được xác định rõ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Thứ hai, Luật mới ghi nhận rõ hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai (Chương 2), trong đó quy định quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là cơ quan thống nhất quản lý đất đai.

 

Thứ ba, Luật mới bổ sung thêm các quy định về điều tra cơ bản về đất đai (từ Điều 31 đến Điều 34) nhằm lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, đánh giá hiện trạng chất lượng, phân hạng đất, kiểm kê đất đai.

 

Thứ tư, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được sắp xếp lại gọn hơn gồm 3 cấp cơ bản là: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch quốc phòng, an ninh, bỏ quy hoạch cấp xã. Luật mới bổ sung thêm các quy định về lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, kỳ quy hoach sử dụng đất là 10 năm (Điều 37) là quá ngắn, chưa thể hiện tầm nhìn dài hơi của Nhà nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.

 

 

Một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua khi áp dụng Luật Đất đai 2003 là quy định về thu hồi đất. Điều 38 Luật Đất đai 2003 quy định có 12 trường hợp thu hồi đất, trong đó thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 39) có bồi thường còn 11 trường hợp khác Nhà nước không bồi thường. Luật Đất đai 2013 đã nhóm lại chỉ còn 4 dạng thu hồi đất, đó là:

- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61)

- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62);

- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai (Điều 64);

- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65).

 

Về thời hạn sử dụng đất (Điều 126 Luật Đất đai 2013) được mở rộng hơn so với luật cũ. Đối với đất nông nghiệp, thời hạn giao đất là 50 năm, cho thuê đất mở rộng từ 20 năm lên không quá 50 năm. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

 

Tại buổi sinh hoạt, các cán bộ nghiên cứu trẻ trong Viện đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vụ việc đã xảy ra trong thực tế liên quan đến tranh chấp đất đai, thu hồi đất đai.

Các tin cùng chuyên mục: