•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Chi đoàn “Những điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) năm 2014”

10/09/2014
Sáng ngày 21/8/2014, Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức buổi sinh hoạt khoa học định kỳ với chủ đề “Những điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) năm 2014”. PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên, chuyên gia luật dân sự đã nhận lời tham gia trao đổi với các bạn đoàn viên, thanh niên trong Viện.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2001. Sau 14 năm, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, được thông qua tháng 6/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

 

 

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã sửa đổi khá cơ bản so với luật cũ, với 9 chương 133 điều so với luật cũ có 13 chương vì vấn đề con nuôi được tách ra thành một đạo luật riêng.

 

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ra đời nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc cũng như thể chế hóa những quy định của Hiến pháp trong lĩnh vực quyền con người về hôn nhân và gia đình (Điều 36 Hiến pháp năm 2013).

 

Gia đình được hình thành dựa trên ít nhất một trong ba yếu tố: huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng. Luật này điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên với nhau nhằm đảm bảo những nhu cầu tự nhiên và cơ bản của con người. Có thể nói, quyền con người về hôn nhân và gia đình là một trong những quyền cơ bản, riêng tư và thiêng liêng nhất.

 

Về độ tuổi kết hôn, đối với nữ sẽ là từ đủ 18 tuổi trở lên (thay vì đủ 17 tuổi trở lên như luật cũ) và từ đủ 20 tuổi trở lên đối với nam (thay vì đủ 19 tuổi trở lên như trước).

 

Về hôn nhân đồng giới, một trong những vấn đề nóng được thảo luận nhiều trong quá trình soạn thảo là hôn nhân đồng giới. Về vấn đề này, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 khẳng định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Khoản 2 Điều 8). Tuy nhiên trên thực tế Nhà nước không cấm, những tranh chấp liên quan đến vấn đề này sẽ được giải quyết theo Bộ luật Dân sự.

 

Chương III quy định về Quan hệ giữa vợ và chồng. Đây là một trong những chương có nhiều điểm mới so với luật cũ. Về đại diện giữa vợ và chồng, Luật xác định lấy đại diện ủy quyền làm cơ sở, điều này phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ lợi ích chung và lợi ích của người thứ ba. Tuy nhiên, ở Khoản 3 Điều 24 với trường hợp một trong hai người mất năng lực hành vi dân sự, người kia có đủ điều kiện làm người giám hộ thì mặc nhiên được đại diện theo pháp luật là không hợp lý. PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên cho rằng, luật cần có quy định về việc ủy quyền hoặc cử đại diện để tránh xung đột lợi ích giữa vợ và chồng.

 

Về chế độ tài sản, những quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Điều 37) và trách nhiệm liên đới của vợ, chồng (Điều 27) đã thể hiện sự bình đẳng vì lợi ích chung, tự do ý chí và thỏa thuận giữa hai bên. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.

 

 

Một điểm mới đáng chú ý nữa là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã bổ sung quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được nhiều đại biểu Quốc hội hết sức đồng tình. Bởi hiện nay tỷ lệ vô sinh ở nước ta là khá cao với từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn và Việt Nam có đủ điều kiện kỹ thuật để hỗ trợ sinh sản theo phương pháp khoa học. Luật đã có những quy định khá đầy đủ, chặt chẽ về điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giải quyết tranh chấp;… Trong đó, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

 

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có nhiều tiến bộ, theo sát với thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự bình đẳng giới trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, tuy nhiên theo PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên, còn hai vấn đề chính vẫn chưa được Luật này quy định cũng như chưa tạo ra hành lang pháp lý đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của một thành phần xã hội: Ly thân và Hôn nhân đồng giới.

 

Các tin cùng chuyên mục: