•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Chính sách, pháp luật về quản lý thuế”

13/10/2020
Tọa đàm diễn ra ngày 8/10/2020 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài do ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương làm chủ nhiệm. Các thành viên còn lại của đề tài là ThS. Nguyễn Thu Dung, ThS. Phạm Thị Hiền, ThS. Chu Thị Thanh An.

Đề tài bao gồm 3 chương:

  • Cơ sở lý luận của chính sách, pháp luật về quản lý thuế;
  • Thực trạng chính sách, pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay;
  • Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay.

Mục tiêu tổng quát của đề tài là làm rõ lý luận về chính sách về quản lý thuế, nhận diện thực trạng chính sách, pháp luật quản lý thuế và gợi ý hoàn thiện chính sách. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra các mục tiêu cụ thể là:

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết của chính sách, pháp luật về quản lý thuế;

- Đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay;

- Những định hướng hoàn thiện pháp luật quản lý thuế

- Đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (bên phải) và ThS. Nguyễn Thu Dung

 

Mở đầu tham luận, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày nội dung Chương 1 của đề tài. Ông cho biết, quản lý thuế là một nội dung của quản lý nhà nước. Thuế có vai trò điều tiết thị trường, điều tiết thu nhập. Hiện nay, đang tồn tại nhiều loại thuế như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế doanh thu,…

 

Trong chính sách, pháp luật về quản lý thuế, có hai hoạt động chính là ban hành văn bản pháp luật về thuế và thu thuế. Mục đích chính trong quản lý thuế là nhằm bảo đảm hoạt động thu thuế, nộp thuế ổn định, tránh thất thu thuế. Ngoài ra, còn có chính sách khoan dung thuế đối với một số đối tượng.

 

Một hoạt động quan trọng trong quản lý thuế là thanh tra và kiểm tra. Đây là hoạt động giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng theo đúng pháp luật. Về khái niệm, đề tài cho rằng, pháp luật về quản lý thuế là pháp luật quy định về hành vi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và thu thuế. Theo tác giả, 4 yếu tố chính tác động đến chính sách, pháp luật về quản lý thuế, đó là: tính minh bạch; trách nhiệm giải trình; khoan dung và bảo đảm sự tham gia của người nộp thuế.

 

Chương 2 bao gồm hai nội dung chính:

  • Thực trạng chính sách, pháp luật về thủ tục hành chính thuế;
  • Thực trạng chính sách, pháp luật về bảo đảm sự tuân thủ pháp luật thuế.

ThS. Chu Thị Thanh An (giữa) và ThS. Phạm Thị Hiền (bìa phải)

 

Ở phần thứ nhất, ThS. Chu Thị Thanh An giới thiệu và giải thích các khái niệm về thủ tục hành chính thuế: kê khai thuế, tính thuế, ấn định thuế, hoàn thuế,… Đề tài cũng chỉ ra những bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế như vấn đề ủy nhiệm thu thuế. Giải thích về sự khác nhau giữa trốn thuế và tránh thuế, đề tài đưa ra ví dụ về dịch vụ xe ôm công nghệ (ví dụ: Grab, be,…). Nếu xác định ngành dịch vụ này là thương mại điện tử thì mức thuế được tính là 10% nhưng nếu thuộc lĩnh vực giao thông vận tải thì mức thuế chỉ còn là 5%. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này đã tránh thuế 5%.

 

ThS. Nguyễn Thu Dung thực hiện phần thứ hai của Chương 2. Tác giả đã phân tích thực trạng, chính sách pháp luật về quản lý thông tin người nộp thuế. Trong đó, việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin về người nộp thuế là rất quan trọng. Hệ thống này cần phải bảo mật thông tin của người nộp thuế. Về thực trạng chính sách, pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế, cần phân định rõ giữa thanh tra và kiểm tra thuế. Số liệu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra thuế có sự khác nhau giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ (mức độ thấp) với doanh nghiệp nhà nước (mức độ cao). Ngoài ra, theo số liệu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có đến 70% doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính.

 

Trong phần này, đề tài cũng đề cập đến vấn đề cưỡng chế thuế và tranh chấp trong quản lý thuế.

 

Chương 3 của đề tài do ThS. Phạm Thị Hiền trình bày. Đề tài cho rằng, yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý thuế hiện nay cần dựa trên đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền và xuất phát từ yêu cầu của các cam kết quốc tế. Đề tài cũng nêu ra 10 kiến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cũng như đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý thuế.

 

Sau đó, tọa đàm đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề: sói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận, trốn thuế, né thuế,…

Các tin cùng chuyên mục: