•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận về tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội”

07/09/2018
Buổi sinh hoạt khoa học diễn ra ngày 30/8/2018 tại Hội trường của Viện. Đề tài do TS. Phan Thanh Hà là chủ nhiệm. Các thành viên còn lại của đề tài là TS. Trương Vĩnh Khanh và ThS. Nguyễn Đình Sơn.

Đề tài gồm có 3 chuyên đề:

  • TS. Phan Thanh Hà: "Những vấn đề lý luận cơ bản về tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội";
  • Ths Nguyễn Đình Sơn: "Bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn";
  • TS. Trương Vĩnh Khang: "Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam".

Từ trái sang: TS. Trương Vĩnh Khang và TS. Phan Thanh Hà

 

Mở đầu là phần báo cáo kết quả nghiên cứu của TS. Phan Thanh Hà. Về mặt khái niệm, tác giả cho rằng, tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần được hiểu là mức độ tinh thông, chuyên chú, sự chuẩn mực khi theo đuổi công việc của người ĐBQH, được thể hiện từ hình thức đến nội dung, thái độ, tinh thần và cách thức thực hiện dựa trên những tiêu chí đánh giá nhất định. Chuyên đề cũng phân biệt giữa 2 thuật ngữ “chuyên trách” và “chuyên nghiệp”. Theo đó, chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp, mặc dù chuyên nghiệp lại chính là chuyên trách có nghề. Tuy nhiên, làm chính khách ở nước ta chưa phải là một nghề, cũng khó theo đuổi nghề này vì phải đối mặt với một rủi ro rất khó vượt qua đó là cơ cấu của các ĐBQH thường xuyên thay đổi.

 

Chuyên đề cũng nêu ra những yếu tố thể hiện tính chuyên nghiệp của ĐBQH. Đầu tiên là tiêu chuẩn của ĐBQH. Cho đến nay, Nhà nước ta chưa ban hành một văn bản pháp luật quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhưng trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và một số văn bản pháp luật khác đã có những quy định đề cập đến hoạt động và liên quan đến hoạt động của đại biểu, góp phần khắc hoạ nên tiêu chí đánh giá hoạt động của người đại biểu.

 

Tại Khoản 1 Điều 82 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu”, bao gồm các nhiệm vụ tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, v.v... Các tiêu chí đánh giá cụ thể hơn về ĐBQH được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.

 

Ngoài ra, tính chuyên nghiệp của ĐBQH còn được thể hiện trong việc thực hiện vai trò, chức năng của người đại diện và hoạt động ở nghị trường. Tính chuyên nghiệp của ĐBQH được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể khi thực hiện các chức năng lập pháp và giám sát của mình. Hoạt động giám sát của Quốc hội mà quan trọng nhất là chất vấn, nghe báo cáo và bỏ phiếu tín nhiệm chính là công cụ để bảo đảm trách nhiệm chính trị.

 

Chuyên đề cũng phân tích về các yếu tố ảnh hưởng và tác động đến tính chuyên nghiệp của ĐBQH, đó là: (i) Vấn đề lợi ích, vận động hành lang, tham nhũng chính sách; (ii) Chế độ hoạt động kiêm nhiệm của ĐBQH; (iii) Quy trình lập pháp; (iv) Các cơ chế hỗ trợ giúp việc trong quy trình lập pháp.

 

Tiếp theo, tọa đàm đã lắng nghe phần báo cáo của ThS. Nguyễn Đình Sơn về bầu cử ĐBQH ở Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh góp ý tại tọa đàm

 

Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cũng giới thiệu về mô hình tổ chức của Thượng viện Ba Lan. Về nội dung của đề tài, ông cho rằng, đề tài cần làm rõ 3 vấn đề chính: (i) Các yếu tố tác động đến tính chuyên nghiệp của ĐBQH; (ii) Các yếu tố bảo đảm tính chuyên nghiệp của ĐBQH; (iii) Yêu cầu đối với việc bảo đảm tính chuyên nghiệp của ĐBQH.

 

Tọa đàm cũng nhận được những nhận xét, góp ý của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Phạm Thị Thúy Nga về những vấn đề: làm rõ nội hàm hai khái niệm “chuyên trách” và “chuyên nghiệp”; yếu tố cần thiết thể hiện tính chuyên nghiệp của ĐBQH; mối liên quan giữa bầu cử với tính chuyên nghiệp của ĐBQH; các nguyên tắc trong bầu cử;…

Các tin cùng chuyên mục: