•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay”

08/10/2019
Ngày 25/9/2019, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức buổi báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài cơ sở “Pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay” do TS. Phạm Thị Hương Lan, phòng Pháp luật Môi trường là chủ nhiệm. Thành viên còn lại của đề tài là ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga.

Đề tài được kết cấu gồm 3 chương:

  • Chương 1: Những vấn đề lý luận về pháp luật đa dạng sinh học;
  • Chương 2: Thực trạng pháp luật về đa dạng sinh học và thực tiễn thực hiện pháp luật trong thời gian qua;
  • Chương 3: Giải pháp hoàn thiện pháp luật về đa dạng sinh học. 

TS. Phạm Thị Hương Lan (ngồi giữa)

 

Mở đầu tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan trình bày những vấn đề lý luận về pháp luật đa dạng  sinh học, trong đó làm rõ các khái niệm về đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Còn bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

 

Từ đó, đề tài đưa ra khái niệm pháp luật về đa dạng sinh học là hệ thống các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng, buôn bán, vận chuyển hay tác động đến các gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên nhằm bảo tồn một cách hiệu quả các gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực thi bằng sức mạnh cưỡng chế.

 

Ngoài ra, đề tài đã làm rõ các vấn đề lý luận liên quan đến pháp luật đa dạng sinh học như: lý luận pháp luật về bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên; lý luận pháp luật về bảo tồn và phát triển loài sinh vật.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan cũng nêu ra hiện trạng loài sinh vật tại Việt Nam và phân tích, làm rõ thực trạng pháp luật về bảo tồn và phát triển loài sinh vật, trong đó chỉ ra những bất cập như: các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ; công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức; vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Bảo vệ loài nói riêng và bảo vệ đa dang sinh học nói chung bị chi phối bởi nhiều luật khác nhau. Vì thế, hiểu và thực hành đúng yêu cầu quản lý nhà nước thống nhất về đa dạng sinh học là một thách thức vì có quá nhiều quy định và chính sách hiện cùng được áp dụng, thậm chí trong số đó có các quy định bị trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn với nhau.

 

Việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã, nguy cấp vẫn diễn ra chưa kiểm soát được. Các loài hoang dã tiếp tục bị suy giảm. Nhiều loài đang đứng trước bờ vực của sự tuyệt chủng như hổ, voi… Hơn nữa, chính sách pháp luật chưa nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư cũng như toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học. Do nhận thức còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài động vật hoang dã, nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội. Nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện.

 

ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga trình bày những vấn đề pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Hiện nay, hệ sinh thái tự nhiên có thể được chia thành 3 dạng chính: (i) Hệ sinh thái đất ngập nước; (ii) Hệ sinh thái trên biển; (iii) Hệ sinh thái rừng.

 

Các quy định về bảo tồn đa dạng hệ sinh thái xuất hiện trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 đã xây dựng khái niệm pháp lý về hệ sinh thái, đồng thời có một số quy định đề cập đến việc bảo vệ hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học với quốc gia, quốc tế thông qua các quy định về điều tra, đánh giá để lập quy hoạch bảo vệ dưới hình thức khu bảo tồn thiên nhiên. Luật Lâm nghiệp năm 2017 dành riêng một điều để quy định về bảo vệ hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, nội dung của điều luật này lại chủ yếu dẫn chiếu sang các lĩnh vực pháp luật khác, như pháp luật môi trường, pháp luật về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, pháp luật thú y. Còn Luật Thủy sản năm 2017 chú trọng đến việc bảo vệ hệ sinh thái rặng san hô. Ngoài ra, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ đưa ra những quy định về bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước.

 

Các hệ sinh thái khác nhau được điều chỉnh bởi các lĩnh vực pháp luật khác nhau như nêu trên làm hạn chế đáng kể đến quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế, bởi lẽ không phải ở mọi nơi, trong mọi trường hợp các hệ sinh thái đều được phân chia một cách tuyệt đối. Trên thực tế, có rất nhiều hệ sinh thái đan xen với nhau, tồn tại bên nhau nên khó phân định một cách rạch ròi việc quản lý và áp dụng pháp luật để bảo vệ. Luật Đa dạng sinh học năm 2008 với tư cách là luật chung để điều chỉnh việc bảo vệ mọi hệ sinh thái nhưng cũng chỉ mới dừng ở mức quy định chung về việc các hệ sinh thái tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu xây dựng pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc bảo tồn đa dạng hệ sinh thái ở nước ta.

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

 

Từ những phân tích về thực trạng pháp luật nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về đa dạng sinh học, cụ thể là:

- Từng bước thống nhất cơ quan và phân cấp, quy định rõ về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học;

- Tăng cường tổ chức, triển khai thực hiện quản lý đa dạng sinh học ở cấp tỉnh, đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học ở địa phương;

- Tăng cường lực lượng thực thi pháp luật về đa dạng sinh học;

- Thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học;

- Công khai các thông tin về các vụ vi phạm đa dạng sinh học;

- Tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả việc giám sát của cộng đồng dân cư;

- Thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi đối với cán bộ quản lý và cộng đồng.

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, đề tài nên nghiên cứu theo hướng về điều chỉnh pháp luật, cụ thể là: nguyên tắc, phạm vi, đối tượng điều chỉnh pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam. Đề tài không nên nghiên cứu quá chi tiết mà cần đi theo nhóm vấn đề.

 

Theo TS. Phạm Thị Thúy Nga, đề tài cần đưa ra những đánh giá, so sánh ở mức độ nhất định về các công ước quốc tế, nghị định thư mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến đa dạng sinh học.

 

Đề tài cũng nhận được những thảo luận, góp ý của PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, TS. Nguyễn Linh Giang về các vấn đề: giám sát của cộng đồng dân cư; nghiên cứu pháp luật quốc tế và việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam về đa dạng sinh học;…

Các tin cùng chuyên mục: