•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa: Những vấn đề lý luận”

15/10/2021
Ngày 7/10/2021, Đề tài cơ sở do TS. Bùi Đức Hiển làm chủ nhiệm có chủ đề “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa: Những vấn đề lý luận” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến. Thành viên còn lại của đề tài là ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga. TS. Phạm Thị Hương Lan chủ trì tọa đàm.

Đề tài có kết cấu gồm 3 chương:

  • Chương 1: Khái niệm, đặc điểm, vai trò kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa
  • Chương 2: Điều chỉnh pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa
  • Chương 3: Pháp luật quốc tế và một số nước trên thế giới về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa và gợi mở cho Việt Nam

 

Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, TS. Phạm Thị Hương Lan đưa ra những thông tin về tính cấp thiết nghiên cứu của đề tài. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2 và hiện đứng thứ 4 thế giới về chất thải nhựa, với 1,83 triệu tấn đến 2,5 triệu tấn/năm, tùy theo số liệu thống kê.

 

Mặc dù có thể tái sử dụng hoặc tái chế để tạo ra các sản phẩm mới giúp giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường nhưng ở Việt Nam, chất thải nhựa nhiều năm nay vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Cách làm này đã chiếm dụng nhiều diện tích cho việc xây dựng bãi chôn lấp mà hiệu quả lại không cao, dẫn tới hậu quả là các nguồn nguyên liệu có thể tái chế gồm chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… bị chôn vùi trong đất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Nhiều bãi rác theo công nghệ cũ đã và đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

 

Hiện nay, chính sách, pháp luật hiện hành về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa còn nhiều thiếu sót, hạn chế, bất cập. Việt Nam đã ban hành một số chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển, như Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và gần đây là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Tuy nhiên, qua khảo cứu có thể thấy các chính sách, pháp luật quy định về vấn đề này còn khá chung chung. Nhiều vấn đề lý luận liên quan đến pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa cũng chưa được nghiên cứu làm rõ.

 

Từ thực tiễn nêu trên, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn chủ đề “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa: Những vấn đề lý luận” làm đề tài cơ sở năm 2021 nhằm làm rõ các luận cứ khoa học để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Về Chương 1 của đề tài, TS. Bùi Đức Hiển tập trung trình bày về khái niệm, đặc điểm của chất thải nhựa, ô nhiễm môi trường biển và pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Đề tài nhận định, ô nhiễm môi trường biển (ÔNMTB) do chất thải nhựa là hiện tượng nguồn nước biển bị biến đổi tính chất (vật lí và hóa học) và thành phần không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường do chất thải thải bỏ ra biển gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và phá vỡ, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển. Những tác hại tiêu cực này đặt ra nhu cầu cần kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa.

 

Từ việc phân tích khái niệm, đặc điểm và thực trạng ÔNMTB từ chất thải nhựa trên thế giới và ở Việt Nam, đề tài chỉ ra 6 đặc điểm của kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa, đó là: (i) phải kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa tại nguồn; (ii) có sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, vùng, địa phương ở các cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu; (iii) khẳng định trách nhiệm hàng đầu của Nhà nước và các chủ thể nguồn thải; (iv) kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa thường chủ quan, bị động; (v) nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị không gian sinh tồn, phát triển của môi trường biển đối với con người và hệ sinh thái biển; (vi) gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.  

 

Trên cơ sở các khái niệm và đặc điểm nêu trên, đề tài cho rằng, pháp luật về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh hoạt động của các cơ quan nhà nước, chủ thể có trách nhiệm, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải và các chủ thể khác trong phòng ngừa, dự báo; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những vi phạm về quản lý, sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, tác động của rác thải nhựa đến môi trường biển, hiện trạng môi trường biển, sự biến đổi của môi trường biển so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường biển; ngăn chặn, xử lý rác thải nhựa trên biển, đảm bảo cho môi trường biển được trong lành.

 

Để xây dựng pháp luật về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa, yếu tố đầu tiên và quan trọng là đưa ra được nguyên tắc điều chỉnh pháp luật phù hợp, trong đó cần coi chất thải nhựa là một loại tài nguyên 7R, một nguyên tắc đã được đưa vào Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định pháp luật phải theo hướng tác động lớn tới chi phí và lợi ích đủ để các chủ thể tự nguyện lựa chọn việc tuân thủ pháp luật. TS. Bùi Đức Hiển cũng đã nêu ra những cách tiếp cận cho nội dung điều chỉnh pháp luật về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa và các yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa ở Việt Nam.

 

Các nhà khoa học tham gia tọa đàm

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga cung cấp các thông tin về pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa. Từ đó, tác giả đưa ra những gợi mở cho Việt Nam như:

  • Tham gia liên minh các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm chất thải nhựa đại dương;
  • Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quản lý và kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa;
  • Hoàn thiện thể chế để ứng dụng các công nghệ cao trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0;
  • Nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng.

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị nhìn nhận cơ cấu của đề tài với 3 chương là hợp lý với nội dung khá sâu được các thành viên đề tài trình bày khá bài bản. Đây là đề tài đề cập đến môi trường biển nhưng phạm vi của “biển” mà đề tài nghiên cứu chưa được xác định rõ. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, tuy Chương 2 của đề tài đã đưa ra các nguyên tắc, nội dung, tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về kiểm soát ÔNMTB từ chất thải nhựa nhưng chưa chỉ ra được việc điều chỉnh pháp luật về vấn đề này gồm những nhóm quy phạm nào. Chủ đề mang tính quốc tế thì một trong những vấn đề lý luận mà đề tài cần đề cập đến là nguồn luật điều chỉnh mối quan hệ này.

 

Trao đổi về cách tiếp cận, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, đề tài tập trung vào  kiểm soát ÔNMTB thì cần xác định rõ các nguồn thải chất thải nhựa ra biển (chất thải sinh hoạt từ sông suối; hoạt động du lịch, thương mại trên biển; hoạt động sản xuất công nghiệp trên đất liền;…) để từ đó có căn cứ đưa ra cách thức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm. PGS.TS. Lê Mai Thanh cũng đưa ra các thông tin về việc xác định phạm vi, ranh giới vùng biển của quốc gia ven biển như Việt Nam (vùng biển có chủ quyền tuyệt đối, vùng biển có quyền chủ quyền, vùng tiếp giáp lãnh hải) để đề tài cần xác định rõ từ đó xây dựng tiền đề về mặt lý luận tương ứng với pháp luật trong nước và quốc tế quy định cho từng vùng biển đó.

 

Ngoài ra, đề tài cũng nhận được những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Vũ Thư, TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Phạm Thị Hương Lan và các nhà khoa học khác.

Các tin cùng chuyên mục: