•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Quyền được sống trong môi trường trong lành theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay”

16/09/2022
Tọa đàm diễn ra ngày 13/9/2022 qua hình thức trực tuyến. Đề tài do ThS. Bùi Thị Hường làm chủ nhiệm, TS. Võ Khánh Minh là thành viên.

 

Mục tiêu tổng quát của đề tài là nghiên cứu các vấn đề cơ bản của pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, đồng thời nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật Việt Nam về quyền này; từ đó, đề xuất những giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam hiện nay.

 

Mở đầu là phần trình bày của ThS. Bùi Thị Hường là những vấn đề cơ bản của pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, với các nội dung về lịch sử, nguồn gốc hình thành quyền trong pháp luật quốc tế và Việt Nam; khái niệm, đặc điểm của quyền; nội hàm pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành. Trong đó, quyền được sống trong môi trường trong lành lần đầu tiên được đề cập tới trong Tuyên bố Stockholm 1972 tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người tháng 6/1972. Tuyên bố đã thể hiện được nhận thức cần phải cải thiện môi trường để bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Tiếp theo là Tuyên bố Rio năm 1992 về môi trường và phát triển với 27 nguyên tắc quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người. Ngoài ra, còn có các văn bản quốc tế khác như Nghị quyết năm 1990 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Công ước Viên và bảo vệ tầng ozone,...

 

Việt Nam đã nhận thức rõ ràng và đầy đủ về quyền con người sống trong môi trường trong lành bắt đầu từ khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và sau này là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

 

Về đặc điểm, đây là một quyền độc lập, có nội hàm rộng, liên quan đến các quyền khác như: quyền được bảo đảm sống trong tiêu chuẩn tối thiểu, quyền được tiếp cận nước sạch, quyền được tiếp cận đất đai, quyền được tiếp cận với thông tin về môi trường và quyền được tham gia giải quyết vấn đề môi trường,… Quyền này được bảo đảm thực thi chủ yếu bởi Nhà nước. Do là quyền thụ động nên vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi quyền này của người dân là rất cao.

 

Từ những phân tích về lịch sử và đặc điểm, đề tài nhìn nhận, đưa ra khái niệm quyền được sống trong môi trường trong lành là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có, khách quan của con người được sống trong môi trường có hệ sinh thái cân bằng, không ô nhiễm, suy thoái hay sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người và được pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế ghi nhận, bảo đảm.

 

ThS. Bùi Thị Hường trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Về nội hàm pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, đề tài đề cập đến các nội dung: nguyên tắc điều chỉnh pháp luật; nội dung pháp luật; các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật; khái niệm. Về nội dung pháp luật, đề tài chia ra làm 2 loại: quyền thiết yếu và quyền thủ tục. Một số quyền được coi là thiết yếu như quyền được sống trong bầu không khí sạch, quyền tiếp cận nước sạch, quyền tiếp cận đất đai,…; còn với quyền thủ tục, có một số quyền đã được nêu trong Công ước Rio 1992 như quyền tiếp cận thông tin về môi trường, quyền tham gia các vấn đề về môi trường, quyền tiếp cận tư pháp về môi trường,… Đề tài cũng đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, đó là chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán.

 

Chương 2 phân tích pháp luật Việt Nam về quyền được sống trong môi trường trong lành. Ghi nhận về quyền này, Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra các nguyên tắc, một trong số đó là “bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”. Nội dung của đạo luật này thể hiện rõ tư duy về quản lý, bảo vệ môi trường để bảo đảm quyền con người, có các quy định về bảo đảm không khí sạch, nguồn nước sạch. Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã pháp điển hóa các tội phạm về môi trường.

 

Mặc dù quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xây dựng dựa trên nguyên tắc của quyền cũng như mở rộng phạm vi chủ thể về tội phạm môi trường trong các đạo luật, tuy nhiên các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn những hạn chế. Đó là do các chế tài còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc các đối tượng phải tuân theo hoặc đủ sức răn đe. Các quy định pháp luật phần lớn mang tính quản lý, ít dựa trên quyền. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường còn mỏng và yếu cũng như việc xây dựng pháp luật còn chưa tính đến quyền trong tương lai về môi trường của thế hệ mai sau.

 

Nhìn nhận từ những vấn đề đã nêu ra và phân tích ở trên, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành. Giải pháp chung là thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Về giải pháp pháp lý, đề tài đề xuất tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường, trong đó cần xây dựng một đạo luật mới là Luật Không khí sạch; xây dựng các chế tài đủ mạnh, tạo sức răn đe; xã hội hóa; ghi nhận và tính đến quyền của thế hệ mai sau;…

 

TS. Nguyễn Linh Giang phát biểu góp ý cho đề tài

 

Nhật xét về phần lý luận, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, từ việc phân tích nội dung pháp luật với các quyền thiết yếu và quyền thủ tục như trên thì việc tiếp theo đề tài cần làm là nghiên cứu, luận giải pháp luật cần có những nội dung gì để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành. Việc triển khai theo cách này này sẽ giúp đề tài có tính liên kết hơn. Ngoài ra, việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…) là không cần thiết.

 

Về nội hàm, khái niệm của quyền, đề tài cũng cần cập nhật những thông tin mới nhất trong chính sách về quyền này trên thế giới hiện nay, chẳng hạn như Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về quyền được sống trong môi trường trong lành và môi trường bền vững ngày 28/07/2022. TS. Nguyễn Linh Giang cũng chia sẻ thông tin từ chuyến đi thực tế ở Hưng Yên về kiểm định chất lượng các sản phẩm tái chế từ rác thải.

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Lê Mai Thanh và ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga cho rằng, một số quyền cụ thể trong quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền tự nhiên và đương nhiên được bảo vệ. ThS. Bảo Nga cho biết, ở Việt Nam, nhiều người dân không có thông tin dẫn đến không biết mình đang sống trong môi trường bị ô nhiễm để có thể lên tiếng, phản ánh với chính quyền cũng như đấu tranh với các cơ sở gây ra ô nhiễm. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ làm căn cứ để khởi kiện tại cơ quan tư pháp.

 

ThS. Nguyễn Tiến Đức đồng ý với quan điểm của PGS.TS. Lê Mai Thanh khi cho rằng, việc bảo đảm quyền này dưới góc độ pháp lý chỉ là một phần, đề tài cũng cần nhấn mạnh đến ý thức của người dân, tổ chức xã hội để gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền khi xảy ra các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ đóng góp cho việc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.

 

Chủ nhiệm đề tài cám ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý, trao đổi của các nhà khoa học để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi tiến hành nghiệm thu.

Các tin cùng chuyên mục: