•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam”

03/09/2019
Tọa đàm diễn ra ngày 23/8/2019 tại Hội trường Viện. Đề tài do TS. Dương Quỳnh Hoa là chủ nhiệm. Các thành viên của đề tài là TS. Nguyễn Thị Thu Thủy và ThS. Cao Thị Lê Thương.

Đề tài gồm có 3 chuyên đề:

  • Những vấn đề lý luận về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nhân dân (TAND);
  • Thực trạng thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND ở Việt Nam hiện nay;
  • Nhu cầu, giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND ở Việt Nam.

Việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án là giai đoạn cuối trong quá trình giải quyết vụ án, cũng là giai đoạn có tính chất quyết định đến việc đưa các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án vào đời sống xã hội. Vì vậy, vấn đề đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án là yêu cầu tất yếu khách quan trong hoạt động tư pháp của bất kỳ một nhà nước nào.

 

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, chỉ khi nào bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, thì mới được mọi người tôn trọng; tội phạm bị trừng phạt, người bị hại khắc phục được một phần thiệt hại, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngược lại, nếu bản án, quyết định của tòa án được tuyên rõ ràng, chính xác, công bằng nhưng không được thi hành hoặc thi hành không có hiệu quả thì bản án, quyết định đó chỉ có ý nghĩa trên giấy, thậm chí còn phản tác dụng, làm cho người phải chấp hành coi thường pháp luật. Vì vậy, đảm bảo cho bản án, quyết định dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế phải là mục đích tối thượng của việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự.

 

Từ những lý do trên cho thấy việc nghiên cứu vấn đề thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND là một nhu cầu có tính cấp thiết, đồng thời có ý nghĩa thiết thực góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật thi hành án dân sự nói riêng và thi hành án nói chung.

 

TS. Dương Quỳnh Hoa (giữa) và ThS. Cao Thị Lê Thương (bên phải)

 

Về mặt lý luận, TS. Dương Quỳnh Hoa cho biết, từ trước đến nay, các nhà khoa học đã đưa ra  nhiều quan điểm về khái niệm thi hành án dân sự. Theo đó, quan điển thứ nhất cho rằng, thi hành án dân sự được coi là một hoạt động hành chính – tư pháp. Quan điểm thứ hai thì cho rằng, đó là một giai đoạn của quá trình tố tụng. Quan điểm thứ ba lại cho rằng, thi hành án là một hoạt động hành chính. Trên cơ sở nghiên cứu ba quan điểm trên, nhóm nghiên cứu đề tài nhận định quan điểm thể hiện tính khoa học nhất đó là thi hành án dân sự là một hoạt động mang tính hành chính – tư pháp.

 

Đề tài cũng chỉ ra đặc điểm của việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, đó là:

  • Được thực hiện sau quá trình xét xử của Tòa án;
  • Chủ yếu là thi hành các quyết định lên quan đến tài sản;
  • Là dạng hoạt động có tính hành chính – tư pháp, thể hiện quyền lực của Nhà nước, nhằm thực hiện các bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải là ra các văn bản áp dụng pháp luật hoặc các quyết định có tính điều hành;
  • Có tính độc lập tương đối;
  • Đòi hỏi tính chính xác cao và không cho phép có sự sai sót;
  • Không có sự phân biệt đối xử;
  • Phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù.

Tọa đàm cũng lắng nghe TS. Dương Quỳnh Hoa trình bày về vai trò và các nguyên tắc thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND; các yếu tố ảnh hưởng đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND; khung pháp luật về thi hành bản án, quyêt định dân sự của toà án.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Trong chuyên đề hai, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã nêu ra thực trạng thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND ở Việt Nam hiện nay. Có một thực tế đáng buồn là tỷ lệ thi hành án thấp (77%), trong đó hiệu quả thi hành án dân sự chỉ chiếm 33%. Những con số này cho thấy thực tiễn thi hành án dân sự ở Việt Nam còn nhiều vấn đề ngổn ngang và vướng mắc.

 

Tác giả cũng phân tích những vấn đề còn tồn tại trong nội dung pháp luật thi hành bản án, quyết định dân sự của TAND như: thủ tục thi hành án; địa vị pháp lý của các chủ thể (người được thi hành án, người phải thi hành án, cơ quan thi hành án);…

 

Sau đó, ThS. Cao Thị Lê Thương đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án: nâng cao năng lực của chấp hành viên; rút gọn thời gian thi hành án;…

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát (bên trái) bình luận

 

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, đề tài cần làm rõ hai hình thức trong thi hành án dân sự là cưỡng chế thi hành án và tự nguyện thi hành án. Ông đặt ra câu hỏi, Việt Nam hiện nay đã có cơ chế thực hiện tự nguyện thi hành án chưa? PGS.TS. Nguyễn Như Phát cũng góp ý đề tài cần bổ sung vấn đề thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài (những vấn đề thuận lợi và khó khăn gặp phải trong thi hành án có yếu tố nước ngoài).

 

Về nội dung của đề tài, theo PGS.TS. Vũ Thư, vấn đề quan trọng nhất mà đề tài cần tập trung tìm hiểu, phân tích là thủ tục thi hành án dân sự. Vì thế, các tác giả cần làm rõ và chỉ ra các giai đoạn, các nguyên tắc trong thi hành án dân sự.

 

Đề tài cũng nhận được những trao đổi, góp ý của TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Trần Văn Biên, TS. Bùi Đức Hiển về các vấn đề: khiếu nại trong thi hành án dân sự; xác minh tài sản tranh chấp; chế định thừa phát lại;…

Các tin cùng chuyên mục: