•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cấp Bộ “Thực trạng và phương hướng hoàn thiện thể chế pháp lý kinh tế thị trường Việt Nam”

16/08/2014
Sáng ngày 12/8/2014, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra Sinh hoạt khoa học của Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện thể chế pháp lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế”, do PGS.TS. Nguyễn Như Phát làm Chủ nhiệm.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật,

chủ tọa buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài.

 

Các thành viên đề tài từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vụ Quản lý kinh tế Trung ương cùng những nhà khoa học khác đã đến dự.  

 

Mở đầu là chuyên đề của PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương: “Khái luận về thể chế pháp lý và thể chế pháp lý kinh tế thị trường”. Tác giả cho rằng thể chế là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Có thể chia thể chế thành hai loại: chính thức và phi chính thức. thể chế chính thức là sản phẩm của nhà nước – thể chế pháp lý, thể chế phi chính thức là sản phẩm của các tổ chức phi nhà nước – không mang tính pháp lý.

 

Như vậy, thể chế pháp lý là dạng thể chế chính thức, là hệ thống pháp luật và các quy định do Nhà nước đặt ra hay thừa nhận, điều chỉnh 3 khía cạnh: luật chơi, xác định cơ chế thực hiện và quy định chủ thể tham gia luật chơi. Từ khái niệm trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương phân tích quan niệm về thể chế pháp lý đầy đủ và phù hợp của kinh tế thị trường. Vấn đề này liên quan đến học thuyết kinh tế học thể chế hình thành đầu thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ: hành vi của cá thể biểu hiện chủ yếu bởi sự chi phối của những thông lệ, quy định, luật định xã hội hay tập thể. Cũng liên quan đến vấn đề này là quan niệm về yêu cầu của kinh tế thị trường theo tiêu chí của Liên minh Châu Âu và Mỹ. Từ những phân tích trên, PGS.TS. Hương cho rằng, thể chế pháp lý kinh tế thị trường là hệ thống pháp luật và các quy định do Nhà nước tạo ra ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh, một cơ chế giữ gìn công lý đáng tin cậy giúp giải quyết các tranh chấp cũng như một chính quyền minh bạch, mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.

 

ThS. Phan Đức Hiếu, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu trao đổi.

 

Bình luận về khái niệm trên, ThS. Phan Đức Hiếu đồng ý với quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương. Ông cho rằng, một quốc gia được công nhận là có nền kinh tế thị trường chỉ khi Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của thị trường nếu thị trường đó có thể tự điều chỉnh. Những quy định Nhà nước khi áp đặt ý kiến chủ quan của mình sẽ triệt tiêu xu thế phát triển của thị  trường, chẳng hạn như giá sản phẩm, hàng hóa phải do thị trường quyết định chứ không phải do nhà nước. Thể chế pháp lý kinh tế thị trường là khi Nhà nước đưa ra những quy định đúng, hiệu quả, không áp đặt và yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp những khoản phí không cần thiết.

 

Sau đó, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh trình bày chuyên đề “Thể chế pháp lý về giải thể, phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam”. Về giải thể doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định tại Điều 157 về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp và Điều 158 về thủ tục giải thể doanh nghiệp. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh nêu ra một thực trạng phổ biến và đáng báo động ở Việt Nam đó là một lượng lớn doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể hay phá sản, ảnh hướng đến việc thất thu thuế nhà nước và quyền lợi của người lao động.

 

Với trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ trốn về nước, việc giải thể doanh nghiệp không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt mà còn mang tính lâu dài, đó là tình trạng nợ thuế, nợ tiền khách hàng, nợ lương người lao động và những vấn đề pháp lý liên quan khác. Ngoài ra, thủ tục hoàn tất nghĩa vụ thuế cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp do thời gian kéo dài.

 

Về thủ tục phá sản, Luật Phá sản năm 2014 không có quy định về căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là lâm vào tình trạng phá sản cũng như chưa có nguyên tắc minh bạch xác định tài sản phá sản và sự loại trừ theo tính chất tài sản (tài sản cá nhân tối thiểu), theo phạm vi không gian (lãnh thổ) và theo thời gian (Điều 64 Luật Phá sản). Về nguyên tắc và cách xác định tài sản của công ty hợp danh thì Luật Phá sản 2014 lại dẫn chiếu sang Bộ luật Dân sự (Điều 64 Khoản 2b).

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trình bày chuyên đề.

 

Về chế định sở hữu, các nhà khoa học đã lắng nghe PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trình bày chuyên đề “Thể chế pháp lý về bảo đảm tự do sở hữu ở Việt Nam”. Ông đưa ra và phân tích 2 vấn đề chính sau:

  • Tự do sở hữu đất đai:

Trong quan hệ sở hữu đất đai, theo quy định của Luật Đất đai 2013 quyền sử dụng đất đã được coi là quyền tài sản, được dân sự hóa. Tuy nhiên, quyền này vẫn luôn có nguy cơ bị xâm hại bởi phương thức hành chính thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Điều này cho thấy việc tự do sở hữu đất đai vẫn chưa theo thể chế thị trường

  • Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và mối liên hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp:

Hiện nay có tình trạng các ngân hàng lớn góp vốn vào các ngân hàng nhỏ để nắm quyền định hướng hoạt động cho các ngân hàng này. Việc cho vay vốn thiếu kiểm soát. Các doanh nghiệp là cổ đông lớn ở các ngân hàng có thể ép buộc ngân hàng đầu tư vốn cho các dự án của doanh nghiệp này. Nên chăng nhà nước cần đưa ra quy định về mức góp vốn.

 

Ngoài những chuyên đề trên, các nhà khoa học cũng đã lắng nghe và thảo luận về các báo cáo:

  • Thể chế pháp lý về hiệp hội doanh nghiệp - Phạm Ngọc Thạnh, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
  • Thể chế pháp lý về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh – ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật;
  • Mức độ nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO – TS. Lê Mai Thanh, Viện Nhà nước và Pháp luật.

Các tin cùng chuyên mục: