•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Một số vấn đề pháp lý về hợp tác thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”

04/08/2014
Sáng ngày 31/7/2014, tại Hội trường đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Một số vấn đề pháp lý về hợp tác thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Khi triển khai đề tài, các thành viên thống nhất đi vào phân tích những vấn đề pháp lý khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đó, nội dụng ở phần đầu của đề tài là những nét khái quát chung về TPP. Tiếp theo, các thành viên đề tài tập trung nghiên cứu vào 3 vấn đề chính trong TPP, đó là:

  • Các cam kết trong TPP về tiếp cận thị trường và những vấn đề pháp lý đặt ra;
  • Giải quyết tranh chấp trong TPP;
  • Vấn đề lao động và quyền con người trong TPP.

 

Giới thiệu về TPP, TS. Lê Mai Thanh cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand và Singapore (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mexico. Tháng 4 năm 2005, Brunei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, chính thức được gọi là  P4. Đến năm 2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Hiện nay có 12 quốc gia đang đàm phán với dân số khoảng 800 triệu dân, chiếm 40% sản lượng hàng hóa và chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới .

 

Các hiệp định thương mại thông thường (như BTA với Hoa Kỳ hay WTO) chỉ cắt giảm thuế suất, còn các hiệp định thương mại tự do như TPP là loại bỏ thuế suất (0%). Lấy ví dụ hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ, sau khi ký hiệp định thương mại song phương thì thuế suất bình quân giảm còn 17,3%; mức này được giữ nguyên sau khi vào WTO (vì đây đã là mức thuế MFN mà Mỹ dành cho các nước thành viên WTO). Nay với TPP thuế suất chỉ còn 0%.

 

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu, mô hình chung cho các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế kỷ 21. Phạm vi của Hiệp định sẽ bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại: hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Ngoài ra có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v…

 

Khác với đám phán tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trước đây, lần này Việt Nam ở vị thế bình đẳng so với các nước khác khi tham gia các vòng đàm phán, bởi lẽ chúng ta bắt buộc phải tham gia và tuân thủ các hiệp định mang tính đa phương đã được các nước trong WTO ký kết trước đó. Tuy nhiên, khi chính thức là thành viên của TPP, Việt Nam sẽ phải tham gia theo “luật chơi” chung với mức trách nhiệm cao nhất như các thành viên khác.

 

Nhà nước ta đã có chủ trương quyết tâm gia nhập TPP và đang tích cực tham gia các vòng đàm phán vì nhận thấy Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và lợi ích để phát triển về kinh tế - xã hội:

- Giúp cơ cấu lại nền kinh tế, cải tổ thể chế pháp lý.

- Tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thông qua TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để phát triển thị trường, tạo thêm việc làm cho người dân, là cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư từ các nước.

 

Ngoài các cơ hội có thể có được, các thành viên đề tài cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tham gia vào TPP:

- Việc cam kết và thực hiện một cách sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ là sức ép cho Việt Nam về mở cửa thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức do năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để được công nhận là nền kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

- Tham gia Hiệp định TPP có thể gây ra một số hệ quả xã hội tiêu cực như tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Ngoài ra, kết quả đàm phán nội dung lao động trong Hiệp định TPP có thể sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam.

- Thể chế pháp lý yếu, việc công khai, minh bạch và phản biện xã hội còn thấp. Để thực thi cam kết trong Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, với những kinh nghiệm có được từ quá trình đàm phán gia nhập WTO, đây có thể không phải là một thách thức quá lớn đối với Việt Nam.

 

Với TPP, những thách thức có thể trở thành cơ hội và ngược lại, cơ hội cũng dễ biến thành nguy cơ. Ví dụ, yêu cầu nguyên liệu phải từ trong nước hay từ nước thành viên có thể sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đó có thể coi là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng đúng mà là thách thức cho ngành dệt may thì cũng đúng vì đa phần nguyên liệu tạo ra từ các doanh nghiệp FDI này là để phục vụ cho sản xuất tiếp của chính họ chứ không dành cho doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ khác, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng thì không những nhà đầu tư từ các nước TPP hưởng lợi mà chính doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng phần nào nhẹ gánh khi bị phân biệt đối xử; nền kinh tế không còn phải đổ nguồn lực cho những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

 

Việc đàm phán TPP cũng được coi như lộ trình cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế. Đó có thể là vấn đề như công nhận sự chủ động hơn trong thương lượng với giới chủ về tiền lương, điều kiện lao động. Bảo vệ môi trường và cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng là những vấn đề chúng ta cần phải lên kế hoạch thực hiện. Để thực hiện những công việc trên, cần phải thay đổi cách tư duy, không xem đó là thử thách  phải đối phó; ngược lại, cần xem đó chính là nhiệm vụ của chúng ta và xem đàm phán TPP về những vấn đề này như một động lực tốt để chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, hiệu quả hơn và có công cụ kiểm soát đầy đủ hơn.

 

Trao đổi về giải quyết tranh chấp trong TPP, TS. Lê Mai Thanh cho biết có 3 phương thức để giải quyết tranh chấp: Tòa án ở nước nhận đầu tư, Trọng tài ở nước nhận đầu tư và Trọng tài quốc tế. Trong đó, các nhà đầu tư phần lớn sẽ bỏ qua hệ thống các cơ quan tư pháp ở nước nhận đầu tư mà chọn thiết chế ở nước ngoài, thông qua hình thức trọng tài quốc tế.

 

Thảo luận về đề tài, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh cho rằng: Chúng ta hiện nay chưa nhìn thấy những ràng buộc pháp lý khi tham gia TPP. Doanh nghiệp cần tiếp tục hoạt động với cường độ cao hơn, với tư thế cạnh tranh quyết liệt hơn. Cái quan trọng là rút kinh nghiệm từ giai đoạn sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp đã từ bỏ sở trường (năng lực lõi) chạy theo sở đoản (những lĩnh vực như: địa ốc, ngân hàng, chứng khoán, tài chính) dẫn đến hoạt động không hiệu quả thậm chí phá sản. Thời điểm này, các doanh nghiệp vừa phải tỉnh táo nhưng cũng phải nhạy bén để nắm lấy cơ hội nếu hướng đến thị trường nước ngoài và chuẩn bị tinh thần cho cuộc đua khốc liệt hơn nếu nhắm vào thị trường trong nước.

Các tin cùng chuyên mục: