•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Pháp luật về hoạt động giám sát ngân hàng ở Việt Nam hiện nay”

08/08/2014
Buổi sinh hoạt khoa học diễn ra ngày 7/8/2014 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài cơ sở này do ThS. Chu Thị Thanh An làm chủ nhiệm.

Tại đây, các cán bộ trong Viện đã nghe ThS. Chu Thị Thanh An báo cáo chuyên đề "Một số vấn đề lý luận về giám sát ngân hàng", bao gồm các nội dung:

- Khái niệm giám sát; phân biệt giám sát và thanh tra

- Khái niệm giám sát ngân hàng, các yếu tố cấu thành hệ thống giám sát ngân hàng

- Vai trò của hoạt động giám sát ngân hàng

- Các nhân tố ảnh hưởng đến giám sát ngân hàng hiệu quả

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Đình Sơn trình bày chuyên đề “Các nguyên tắc Basel về giám sát ngân hàng và thực trạng áp dụng ở Việt Nam”. Chuyên đề này đưa ra và phân tích các ý chính sau:

- Giới thiệu Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng và bộ nguyên tắc về giám sát ngân hàng hiệu quả đối với hoạt động giám sát của ngân hàng trung ương (25 nguyên tắc)

- Thực trạng áp dụng các nguyên tắc Basel ở Việt Nam

 

Theo đó, ThS. Nguyễn Đình Sơn cho biết, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng là một diễn đàn cho sự hợp tác thường xuyên về các vấn đề liên quan đến giám sát hoạt động ngân hàng. Mục tiêu của Ủy ban là hiểu rõ hơn về các vấn đề mấu chốt trong việc giám sát hoạt động ngân hàng và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động ngân hàng trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, Ủy ban trao đổi các thông tin về các vấn đề giám sát hoạt động ngân hàng của các quốc gia, các phương pháp và kỹ thuật với phương châm là để có một sự hiểu biết đồng nhất về các vấn đề đó. Trên cơ sở đó, Ủy ban dùng sự hiểu biết đồng nhất này để xây dựng các văn bản hướng dẫn và tiêu chuẩn trong các lĩnh vực mà họ cho là cần thiết. Ủy ban Basel được biết đến trên khắp thế giới về các thông lệ quốc tế mà họ đưa ra về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả; và Thỏa ước về giám sát hoạt động ngân hàng xuyên biên giới.

 

Tại tọa đàm, ThS. Đinh Thế Hưng trao đổi về cơ chế giám sát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng và vì sao nguyên tắc Basel khó áp dụng tại Việt Nam. ThS. Chu Thị Thanh An cho biết từ năm 2010 khi Luật Ngân hàng nhà nước được ban hành mới đưa ra khái niệm về giám sát ngân hàng. Ở các nước khác, khái niệm giám sát ngân hàng được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm thanh tra và giám sát. Nhưng tại Việt Nam lại tách bạch hai hoạt động này. Nguyên tắc Basel khó áp dụng tại Việt Nam là vì chúng ta chưa xây dựng một mô hình, cơ quan giám sát mang tính độc lập để có thể tuân thủ đúng nguyên tắc Basel. Việc thành lập cơ quan này là cần thiết tuy nhiên có lẽ sẽ tốn một khoản chi phí rất lớn.

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh bình luận: Hiện nay, Việt Nam có quá nhiều hệ thống thanh tra: thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành và thanh tra nhân dân. Các cơ quan này khi phát hiện sai phạm chỉ có thể đưa ra kiến nghị với các cơ quan nhà nước cấp trên. Việc điều hành thị trường không trên cơ sở lãi suất cơ bản mà thông qua quyết định hành chính về điều chỉnh lãi suất từ Thống đốc ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, ông chỉ ra một số vấn đề bất cập trong hoạt động ngân hàng: nợ xấu ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi, sáp nhập ngân hàng.

 

Trao đổi về việc cấp phép thành lập ngân hàng, TS. Trần Văn Biên cho rằng số lượng ngân hàng quá nhiều so với một thị trường còn nhỏ như ở Việt Nam. Việc cấp phép thành lập diễn ra ồ ạt với những điều kiện quá dễ dàng, không đạt chuẩn quốc tế. Trong khi đó, rất nhiều ngân hàng hoạt động không hiệu quả, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu cao. Các giải pháp xử lý nợ xấu chưa được triển khai đồng bộ mà chủ yếu vẫn là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu nên đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập, đã mua nợ, song việc giải quyết số nợ này ra sao là cả một vấn đề. 

Các tin cùng chuyên mục: