•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Quyền chính trị và thực thi quyền chính trị ở Việt Nam”

08/06/2015
Ngày 4/6/2015, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài cơ sở “Quyền chính trị và thực thi quyền chính trị ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Linh Giang làm chủ nhiệm.

Đề tài tập trung nghiên cứu theo 3 chuyên đề chính:

-         Khái quát về quyền chính trị trong pháp luật Việt Nam và quốc tế - ThS. Nguyễn Linh Giang;

-         Cơ chế bảo đảm quyền chính trị ở Việt Nam – ThS. Bùi Thị Hường;

-         Kiến nghị hoàn thiện – NCV. Trần Thị Loan.

 

Mở đầu, ThS. Nguyễn Linh Giang nêu ra khái niệm, nội dung cơ bản, nội hàm các quyền chính trị trong pháp luật quốc tế về quyền con người. Có nhiều định nghĩa về quyền chính trị. Nhưng nhìn chung có thể hiểu quyền chính trị là các quyền liên quan đến việc thiết lập và vận hành bộ máy nhà nước. Trong nội dung nghiên cứu của Đề tài này, các quyền chính trị sẽ là các quyền: tự do ý kiến, biểu đạt và tự do thông tin; tự do hội họp và lập hội; quyền tham gia vào đời sống chính trị (quyền bầu cử, ứng cử và tham gia vào trưng cầu ý dân).

 

ThS. Nguyễn Linh Giang (ngồi giữa) trình bày chuyên đề của mình.

 

Nhận xét về quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do biểu đạt mà theo ngôn ngữ Việt Nam gọi chung là quyền tự do ngôn luận, quyền này được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp 2013 cùng với các quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình. Về lý luận, trong pháp luật quốc tế, tự do tư tưởng thường gắn với tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Nhưng trong thực tế tại Việt Nam thì tự do tư tưởng lại gắn với tự do ngôn luận. Đây có thể xem là đặc thù của Việt Nam. Vì thế, khi phân tích về tự do ngôn luận ở Việt Nam, ngoài việc xem xét dưới khía cạnh tự do báo chí, tiến cận thông tin thì còn phải xem ở khía cạnh của tự do tư tưởng.

 

Mặc dù Hiến pháp công nhận quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhưng trên thực tế Việt Nam chưa ban hành luật riêng về quyền này. Luật này vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Tuy vậy, trong thời gian qua, quyền này vẫn được thực hiện thông qua cơ chế của một số luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Bộ luật Dân sự 2005,Luật Phòng chống tham nhũng 2007,… Tuy nhiên, các quy định này ra đời xuất phát từ nhu cầu của hoạt động quản lý nhà nước mà chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích của công dân.

 

Cơ chế bảo đảm các quyền chính trị của công dân là thông qua hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đó là: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Mặt trận tổ quốc,… Trong đó, Chính phủ với tư cách là cơ quan nắm giữ quyền hành pháp phải nỗ lực tối đa nhằm hiện thực hóa những văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm chăm lo và nâng cao hiệu quả thực thi quyền con người trong phạm vi quốc gia.

 

Dựa vào những lập luận trên, các thành viên Đề tài đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện và bảo đảm quyền chính trị ở Việt Nam:

 

- Về thể chế:

+ Ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, Luật cần quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin; loại thông tin nào được tiếp cận; trình tự, thủ tục về tiếp cận thông tin; cơ sở từ chối cung cấp thông tin;…

+ Ban hành Luật Trưng cầu ý dân;

+ Sửa đổi Luật Báo chí, Luật Xuất bản.

-   Về thiết chế: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia;…

 

Phát biểu nhận xét về Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, về cơ bản, nội dung của Đề tài đã được các thành viên thực hiện khá đầy đủ. Khi hoàn thiện sản phẩm, Đề tài nên có thêm phần tổng quan. Khi phân tích về cơ chế bảo đảm quyền chính trị, ngoài việc chia ra thành thiết chế và thể chế thì vấn đề này có thể nhận diện từ cấu trúc mang tính nội dung, tổ chức thực hiện để tạo sự kết dính dễ theo dõi hơn. Đề tài cũng nên đưa một kiến nghị mang tính tổng thể kèm theo các kiến nghị cụ thể cho từng quyền.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (ngoài cùng bên phải) dự và trao đổi tại buổi sinh hoạt.

 

Trao đổi về Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đưa ra gợi ý: Có nên so sánh giữa quyền chính trị với các quyền dân sự, kinh tế - xã hội để tìm ra cái chung, cái khác biệt hay không? Quyền chính trị liên quan thế nào đến quyền lực của nhà nước? Quan niệm của Việt Nam về quyền chính trị có tương đồng với thế giới hay không? Từ đó để chỉ ra quyền chính trị ở Việt Nam có gì đặc thù.

 

Từ những thảo luận, trao đổi tại buổi sinh hoạt này, các thành viên Đề tài sẽ có thêm những thông tin, gợi ý mang tính khoa học để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm đạt chất lượng tốt.  

 

Các tin cùng chuyên mục: