•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở ngày 9 và 10/7/2015

13/07/2015
Trong 02 ngày 9 và 10/7/2015 tại Viện Nhà nước và Pháp luật, hai Đề tài cơ sở do ThS. Chu Thị Thanh An và ThS. Nguyễn Thị Hường làm chủ nhiệm đã tổ chức buổi tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu.

ThS. Chu Thị Thanh An và ThS. Phạm Thị Hiền (từ phải sang).

 

Đề tài thứ nhất thực hiện báo cáo là “Pháp luật về mua bán, sáp nhập ngân hàng ở Việt Nam hiện nay” gồm có các chuyên đề sau:

- ThS. Chu Thị Thanh An: Khái quát về pháp luật mua bán, sáp nhập ngân hàng;

- ThS. Phạm Thị Hiền: Thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động sáp nhập ngân hàng Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị hoàn thiện;

- ThS. Chu Thị Thanh An: Thực trạng pháp luật về mua bán ngân hàng ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện;

- ThS. Nguyễn Đình Sơn: Thực trạng mua bán, sáp nhập ngân hàng ở Việt Nam và định hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.

 

Bình luận về Đề tài này, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng các thành viên Đề tài cần nghiên cứu kỹ hơn những vấn đề sau:

-          Phân tích những điểm chung về lý luận và nội dung việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp từ đó chỉ ra tính đặc thù, điểm riêng của việc mua bán, sáp nhập ngân hàng;

-          Hoạt động giám sát việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cần được thực hiện chặt chẽ nên đây là vấn đề rất quan trọng. Ở Việt Nam, cơ quan giám sát việc mua bán, sáp nhập ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, nhóm nghiên cứu cần phân tích kỹ hoạt động này.

-          Việc mua bán, sáp nhập ngân hàng điều chỉnh mối quan hệ xã hội gì?

-          Luận giải tại sao pháp luật Việt Nam chỉ điều chỉnh hoạt động sáp nhập mà chưa có quy định về mua bán ngân hàng?

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (giữa) và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (phải).

 

Phát biểu kết thúc buổi sinh hoạt, ThS. Chu Thị Thanh An thay mặt nhóm cám ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa các ý kiến đóng góp hữu ích. Đề tài còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm và các thành viên sẽ tiếp tục tìm hiểu và hoàn thiện Đề tài trong thời gian tới.

 

Tiếp theo, ngày 10/7/2015, các cán bộ nghiên cứu trong Viện đã lắng nghe và cùng trao đổi về những chuyên đề của các thành viên thực hiện Đề tài “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật dân sự và tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay”:

- Nhu cầu hoàn thiện chế định quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay - ThS. Đinh Thị Duy Thanh;

- Nhu cầu hoàn thiện chế định quyền tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam - ThS. Nguyễn Thị Hường;

- Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay – ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy;

- Nhu cầu hoàn thiện vấn đề quyền con người trong tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay – TS. Dương Quỳnh Hoa.

 

ThS. Đinh Thị Duy Thanh (giữa) và PGS.TS. Nguyễn Như Phát (phải).

 

Sau khi lắng nghe phần trình bày các chuyên đề, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn, minh bạch hơn lý thuyết cơ bản về các khái niệm. PGS.TS. Nguyễn Như Phát đưa ra câu hỏi: Tranh tụng và tranh luận khác nhau thế nào? Một vụ án xử bút lục có thể áp dụng nguyên tắc tranh tụng không?

 

Về quyền nhân thân, TS. Trần Văn Biên cho biết dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi hiện nay vẫn liệt kê và quy định chi tiết từng quyền giống như Bộ luật Dân sự 2005. Trong khi đó, một số quyền quy định trong Hiến pháp 2013 chưa thể hiện rõ là quyền nhân thân (những quyền này vẫn có thể chuyển giao). Vì thế, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi không nên ghi nhận và quy định các quyền này là quyền nhân thân.

 

Bình luận về một quyền cơ bản của quyền nhân thân là quyền bí mật đời tư, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, tác giả chuyên đề cần đưa ra được khái niệm về quyền này, so sánh giữa quyền bí mật đời tư với quyền tự do thông tin và tìm ra mối liên hệ giữa hai quyền này. Góp ý về chuyên đề của ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy, khi phân tích về nguyên tắc tranh tụng tác giả cần mổ xẻ nguyên tắc phổ biến trong tố tụng dân sự Việt Nam là nguyên tắc xét hỏi qua cách tiếp cận từ nhà khoa học, Viện kiểm sát và Tòa án để từ đó chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm của mỗi nguyên tắc. 

 

Các tin cùng chuyên mục: