•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 2010 – 2020”

06/06/2010
Ngày 31/05/2010, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”; mã số: CT 09-16-03, đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 2010 – 2020”. TS. Bùi Nguyên Khánh - Chủ nhiệm đề tài và PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh – Phó chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có các thành viên trong Ban chủ nhiệm chương trình, các thành viên tham gia thực hiện đề tài và các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Từ điển và Bách khoa thư, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội,…

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phát biểu ý kiến tham luận về các vấn đề sau:
    -    Quá trình phát triển từ tư tưởng “Pháp chế XHCN, nhà nước quản lý bằng pháp luật” đến tư tưởng “Nhà nước pháp quyền XHCN”
    -    Chủ nghĩa lập hiến ở Việt Nam – Tư tưởng và triển vọng
    -    Quyền con người trong nhà nước pháp quyền
    -    Thực trạng thực hiện quyền lập pháp ở nước ta hiện nay
    -    Những cơ chế bảo hộ pháp lý cho công dân theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta
    -    Sự hiện diện, vai trò và đặc điểm của các cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta
    -    Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước


Xoay quanh những nội dung nêu trên, đã có nhiều lượt ý kiến thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học:  GS.TSKH. Đào Trí Úc; GS.TS. Nguyễn Đăng Dung; PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng; PGS.TS. Nguyễn Như Phát; PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng; PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh; TS. Bùi Nguyên Khánh, TS. Nguyễn Đức Minh,…

Về quá trình phát triển từ tư tưởng “pháp chế XHCN, nhà nước quản lý bằng pháp luật” đến tư tưởng “Nhà nước pháp quyền XHCN”, GS.TSKH. Đào Trí Úc nêu quan điểm:
    -    Tư tưởng pháp chế được hiểu như một sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật
    -    Tự thân pháp luật cũng phải tuân thủ các trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm nhân quyền và tránh sai sót
    -    Muốn tuân thủ pháp luật trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam thì cần phải xác định các thủ tục pháp luật chặt chẽ vì hiện nay chúng ta đang gặp nhiều rắc rối về vấn đề này
    -    Pháp luật luôn là sự hiện thân của quyền lực. Pháp chế là sự hiện thân của pháp luật trong thực tiễn.

Trong tham luận về thực trạng thực hiện quyền lập pháp ở nước ta hiện nay, Ths. Nguyễn Tư Long, Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Hiến pháp năm 1992 chưa nêu rõ nội hàm quyền lập pháp là gì, mà chỉ nói Quốc hội được thực hiện quyền lập pháp. Theo Hiến pháp, chủ thể trực tiếp thực hiện quyền lập pháp là Quốc hội, hai chủ thể ủy quyền là Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, có nhiều chủ thế khác đang được thực hiện quyền này trong thực tế. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, không có sự phân công, phối hợp giữa các bên trong việc thực hiện quyền lập pháp.

Bàn về cơ thế bảo hộ pháp lý cho công dân theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, TS. Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nêu quan điểm của mình theo 9 cơ chế chính: Giám sát các cơ quan đại diện của nhân dân; Kiểm tra các cơ quan hành chính nhà nước; Thanh tra; Giám sát việc thực hiện pháp luật; Trách nhiệm bồi thương từ các cơ quan nhà nước; Trợ giúp pháp lý; Tài phán trong xét xử của tòa án; Tài phán trọng tài; Bảo hộ ngoại giao. TS. Nguyễn Minh Đức cũng đưa ra các kiến nghị nhằm thực hiện tốt cơ chế bảo hộ pháp lý cho công dân, đó là: Hoàn thiện các thủ tục bảo hộ pháp lý; Đề cao vai trò của tòa án và Thành lập quỹ về bảo hộ pháp lý.

Nhiều nhà khoa học có mặt tại hội thảo rất tâm đắc với lĩnh vực này. GS.TSKH. Đào Trí Úc cho rằng, người dân đang mất an toàn trong nhiều vấn đề như thực phẩm, giao thông, môi trường,v.v.. nhưng đáng lo ngại nhất là sự mất an toàn về pháp lý. Đó là lý do phải có cơ chế bảo hộ pháp lý cho công dân.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu cho rằng các nghiên cứu và ý kiến trao đổi của các nhà khoa học đã góp phần giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong giai đoạn 2010-2020, giúp mở rộng các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong đề tài CT 09-16-03.

Các tin cùng chuyên mục: