•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cơ sở “Tư pháp phục hồi trong thi hành hình phạt tù của một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam”

07/09/2023
Ngày 30/08/2023, Đề tài cơ sở cá nhân do NCS. Trần Tuấn Minh là chủ nhiệm với chủ đề “Tư pháp phục hồi trong thi hành hình phạt từ của một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam” đã tổ chức sinh hoạt khoa học.

NCS. Trần Tuấn Minh (ngồi giữa) trình bày nội dung nghiên cứu của đề tài

 

Tư pháp phục hồi (TPPH) là một vấn đề lý luận đã được nghiên cứu, bình luận trong nhiều công trình khoa học trong nước và quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, chưa có sự thống nhất về cách giải thích, khái niệm của TPPH. Tuy nhiên, tựu trung lại, các quan điểm này đều cho rằng TPPH nghĩa là hình phạt không có mục đích trừng trị, mà hướng tới mục đích là đưa ra các cách thức tiếp cận linh hoạt nhằm cải tạo, giáo dục người phạm tội và là công cụ để phòng ngừa tội phạm.

 

Hiện nay, các chương trình TPPH trong hình phạt tù vẫn chưa thật sự phát triển tại Việt Nam. Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra yêu cầu giảm hình phạt tù và cùng với đó là sự ra đời ngày càng nhiều hơn các loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù trong hệ thống hình phạt. Điều này cho thấy sự cần thiết phải giới thiệu, áp dụng các hình phạt thay thế, chủ trương theo hướng nhân đạo hóa hình phạt, hướng tới TPPH. Do đó, việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận về TPPH cũng như tìm hiểu, học tập kinh nghiệm các chương trình về TPPH đối với hình phạt tù của các quốc gia trên thế giới để từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tù tại Việt Nam là một vấn đề cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

 

TPPH khẳng định rằng, các hoạt động tư pháp có thể sửa chữa những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, đồng thời cho phép các bên liên quan được tham gia vào quá trình phục hồi này. TPPH lồng ghép cả nạn nhân, người phạm tội và các đối tượng bị ảnh hưởng trong cộng đồng được tham gia trực tiếp vào việc ứng phó với tội phạm. Họ trở thành trung tâm của tư pháp hình sự, trong đó, các cơ quan nhà nước và chuyên gia pháp lý đóng vai trò hỗ trợ nhằm mục đích xác định trách nhiệm của người phạm tội và bồi thường cho nạn nhân.

 

Từ việc phân tích nguồn gốc, khái niệm, sự phát triển của TPPH trong thời gian qua, NCS. Trần Tuấn Minh đưa ra định nghĩa: TPPH trong thi hành hình phạt tù là một cách tiếp cận nhằm giải quyết tội phạm, tranh chấp và xung đột trong các cơ sở giam giữ, trong đó nhấn mạnh tới việc đối thoại, phục hồi, giải quyết những hậu quả, giá trị đã bị tổn hại do hành vi tội phạm gây ra thông qua sự tham gia tích cực, tự nguyện từ tất cả các bên có liên quan và của cả cộng đồng.

 

 

Đề tài cũng chỉ ra 3 đặc điểm chính của TPPH, đó là: (i) TPPH là cách tiếp cận tập trung vào những tác động tiêu cực của tội phạm; (ii) TPPH tập trung vào nghĩa vụ phát sinh từ những hành vi tội phạm: (iii) TPPH đề cao việc tham gia, tương tác chủ động, tích cực của các bên. Cụ thể với đặc điểm thứ hai, đề tài nhìn nhận, tính chịu trách nhiệm trong TPPH muốn hướng tới là việc người phạm tội nên được khuyến khích, giải thích để nhìn nhận, hiểu rõ tác hại của hành vi đó, chỉ ra hậu quả từ hành vi đó đem đến cho người bị hại và cộng đồng. Hơn nữa, họ phải có trách nhiệm sửa chữa những tổn hại, khôi phục lại những giá trị mà họ đã tác động đến người bị hại và cộng đồng tới hết mức có thể. Đây không chỉ là điều đúng, là công lý mà còn có thể đem lại khả năng ngăn chặn hành vi phạm tội trong tương lai, hơn những gì mà những hình phạt mang tính trừng trị có thể làm.

 

Tiếp theo, đề tài giới thiệu, phân tích thực tiễn áp dụng TPPH trong thi hành hình phạt tù tại Na Uy, Hoa Kỳ và Australia. Tại Na Uy, Dịch vụ Hòa giải Quốc gia (NMS) là dịch vụ công miễn phí cung cấp các quy trình phục hồi trong các vụ án hình sự và dân sự. Công việc của NMS được điều chỉnh bởi Đạo luật về Dịch vụ Hòa giải với nguyên tắc cơ bản là sự tham gia tự nguyện của các bên và đảm bảo tính bảo mật để khuyến khích đối thoại cởi mở giữa các bên. Ba tiêu chí cơ bản để áp dụng biện pháp hòa giải nạn nhân - người phạm tội (VOM) trong các vụ án hình sự là: người phạm tội thừa nhận các tình tiết của vụ án, vụ án liên quan tới các tội xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác và tất cả các bên đều đồng ý tham gia hòa giải.

 

Trong thực tiễn, trước khi Na Uy tiến hành cải cách trại giam những năm 1990, tỷ lệ tái phạm dao động trong khoảng 60% - 70%. Ngày nay, tỷ lệ tái phạm tại nước này ở mức thấp nhất trên thế giới, chỉ khoảng 20% vào các năm 2015, 2016 và sau đó giảm mạnh xuống còn 14,9% vào năm 2017 và 11,4% vào năm 2018. Việc áp dụng chương trình TPPH được coi là yếu tố chính cho tỷ lệ tái phạm thấp này, một thành tích đáng kể trong công tác phòng ngừa tội phạm mới tại Na Uy. Nhìn chung, những người tham gia hòa giải hài lòng với hoạt động này và phần lớn trong số họ sẽ giới thiệu chương trình TPPH cho những người khác. Hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy thoải mái, an toàn hơn sau hòa giải và nhận thấy quá trình hòa giải có lợi cho việc gia tăng sự thấu hiểu, đồng cảm của họ. Tương tự, tỷ lệ thành công cao trong việc đạt được thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận đó cho thấy người phạm tội cũng có ý thức tuân thủ thỏa thuận hòa giải.

 

Ở Việt Nam, TPPH vẫn còn là một vấn đề khá mới. Tuy nhiên, một số yếu tố, nguyên tắc nhất định đã được thừa nhận, áp dụng trong các quy định pháp luật. Các yếu tố này có thể kể đến như: tổ hòa giải cơ sở (hòa giải các tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư), thúc đẩy giải quyết các mối quan hệ giữa người vi phạm và người bị thiệt hại, các hình thức xử lý chuyển hướng như hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã phường, giáo dục tại trường giáo dưỡng… Tuy nhiên, các mô hình trên chỉ áp dụng giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ, xử lý đối với người chưa thành niên. Do đó, để xây dựng chương trình TPPH, cụ thể trong thi hành hình phạt tù tại Việt Nam, đề tài đề xuất một số giải pháp, cụ thể là:

  • Tăng cường nghiên cứu, đánh giá mức độ khả thi áp dụng; Xây dựng hệ thống pháp luật về TPPH;
  • Xây dựng, mở rộng, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện TPPH cho phạm nhân trong các trại giam;
  • Đào tạo, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, trình độ cho đội ngũ cán bộ trong trại giam đang thực hiện công tác giáo dục, cải tạo cho phạm nhân;
  • Bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất để phục vụ cho các hoạt động TPPH trong cơ sở trại giam;
  • Tăng cường sự tham gia thường xuyên và giảm thiểu thái độ kỳ thị của cộng đồng với người phạm tội.

PGS.TS. Đinh Thị Mai (giữa) góp ý cho đề tài

 

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Đinh Thị Mai cho rằng, chủ nhiệm đề tài đã rất tâm huyết, chuẩn bị khá công phu cho nội dung của đề tài. Các đặc điểm của TPPH được nêu ra rõ ràng và tập trung đúng vào giai đoạn thi hành hình phạt tù. Đề tài đưa ra định nghĩa khá đầy đủ và theo hướng quyền con người khi nhìn nhận TPPH không có mục đích trừng trị mà đưa ra cách thức tiếp cận linh hoạt nhằm cải tạo, giáo dục người phạm tội và là công cụ để phòng ngừa tội phạm. Theo PGS.TS. Đinh Thị Mai, đề tài nên tiếp cận theo hướng tư duy giải quyết vấn đề theo dạng tư duy phản hồi thì sẽ dễ triển khai hơn so với việc tiếp cận đi sâu vào thể chế. Cụ thể, tư duy phản hồi là tập trung giải quyết hậu quả, khắc phụctình hình cũng như giảm thiểu thiệt hại của các bên trước khi xác định nguyên nhân gây ra hậu quả, lỗi của ai và đưa ra hình thức trừng phạt người phạm tội.

 

TS. Nguyễn Linh Giang đồng tình với nhận định của PGS.TS. Đinh Thị Mai về mối liên quan giữa TPPH với quyền con người. Phần lớn các quốc gia chấp nhận, áp dụng các chương trình TPPH đã xóa bỏ hình phạt tử hình. TS. Nguyễn Linh Giang đề xuất đề tài cần có sự đánh giá khách quan trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cơ sở về quyền con người… tại Việt Nam để nhìn nhận về những thuận lợi và khó khăn khi tiếp nhận lý thuyết về TPPH.

 

TS. Nguyễn Linh Giang bình luận

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga gợi ý, đề tài nên làm rõ các nguyên tắc, chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về TPPH để có thể hiểu được giá trị nhân văn của mô hình này. TS. Nguyễn Tiến Đức đưa ra câu hỏi, liệu tính phục hồi trong TPPH có trùng lặp với nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam không? Chủ nhiệm đề tài cho rằng, tính phục hồi và nhân đạo một phần nào đó có điểm chung, đó là đều hướng tới mục tiêu tích cực nhất về hành vi của con người. Tính phục hồi tập trung vào sự hòa giải của hai bên để giải quyết mâu thuẫn, xử lý hậu quả và Nhà nước là bên thứ ba, còn tính nhân đạo thì Nhà nước can thiệp trực tiếp qua việc sử dụng quyền thực hiện ân xá, đại xá, xóa án cho người phạm tội.

 

Tại tọa đàm, đề tài cũng nhận được các ý kiến đóng góp, bình luận của TS. Trần Văn Biên, TS. Phạm Thị Hương Lan, ThS. Nguyễn Ngọc Mai, ThS. Phạm Hồng Nhật và ThS. Nguyễn Thanh Tùng.

 

NCS. Trần Tuấn Minh cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học để chắt lọc, bổ sung và hoàn thiện đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: