•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cấp Bộ “Thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay”

28/04/2017
Thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu năm 2017, ngày 25/4/2017, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cấp Bộ “Thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay” do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị là chủ nhiệm và Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì, đã tổ chức tọa đàm khoa học “Hướng tiếp cận và cách thức triển khai nghiên cứu về thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp”.

 

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị thông báo cho các thành viên đề tài về quá trình đăng ký, phê duyệt đề tài và trình bày về mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

-  Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

- Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay trong một số khía cạnh. 

- Thứ ba, gợi mở giải pháp ở tầm chính sách để tăng cường hiệu quả thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ta trong thời gian tới.

 

Về hướng tiếp cận của đề tài, theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị là tiếp cận đa ngành, liên ngành, trong đó hướng tiếp cận luật học là chủ yếu. Về nội dung nghiên cứu, theo Chủ nhiệm đề tài, các thành viên cần nắm được các quy định của pháp luật về kinh doanh và phân tích, đánh giá tình trạng thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu “Thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp” được hiểu là nghiên cứu xem doanh nghiệp thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh như thế nào? Hoạt động thực hiện pháp luật kinh doanh của các doanh nghiệp bao gồm: tuân thủ pháp luật kinh doanh, chấp hành pháp luật kinh doanh và sử dụng pháp luật kinh doanh. 

 

Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, đề tài cần có cách hiểu thống nhất về pháp luật kinh doanh; không nên hiểu quá rộng hoặc quá hẹp về khái niệm này; thực hiện pháp luật kinh doanh thể hiện cả dưới hình thức hành động và không hành động. Không hành động, theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, là sự kiềm chế không thực hiện các hành vi bị cấm. PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, không nên nghiên cứu về kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp như trong Thuyết minh của đề tài.

 

Tham gia thảo luận, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng, việc nghiên cứu về kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp là cần thiết. Qua việc nghiên cứu này, chúng ta càng thấy rõ hơn doanh nghiệp thực hiện pháp luật kinh doanh như thế nào.

 

TS. Nguyễn Kim Tiên nêu ý kiến: Nghiên cứu về thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp mà theo Thuyết minh không có khảo sát thực tế, không có kinh phí cho khảo sát thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn. PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đồng ý với ý kiến của TS. Tiên và mong các thành viên tìm cách để khắc phục khó khăn này. ThS. Nguyễn Thu Dung gợi ý: Nên sử dụng các kết quả điều tra của các cơ quan, tổ chức về việc doanh nghiệp thực hiện pháp luật kinh doanh, trước hết là kết quả điều tra, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 

Chủ nhiệm đề tài cho rằng, đây là một giải pháp tốt cần được khai thác. Theo đó, chúng ta nên xem xét khả năng mời đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia đề tài.

 

Kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho biết, sẽ gửi cho các thành viên đề tài quan niệm về “pháp luật kinh doanh” và “thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp”; tiến hành ký hợp đồng và mong các thành viên đề tài hoàn thành tốt, đúng tiến độ các nội dung nghiên cứu được phân công.   

Các tin cùng chuyên mục: