•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cấp Bộ “Tổng quan tình hình nghiên cứu về pháp luật trong 30 năm qua ở nước ta”

03/05/2017
Ngày 26/4/2017, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, đã diễn ra Tọa đàm khoa học của Đề tài cấp Bộ “Tổng quan tình hình nghiên cứu về pháp luật trong 30 năm qua ở nước ta” do PGS.TS. Nguyễn Như Phát là chủ nhiệm. Tham gia tọa đàm có các thành viên của đề tài và các nhà khoa học trong Viện.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát khẳng định việc thực hiện đề tài này nhằm hai mục đích chính. Trong đó, mục đích chính trị là nhằm phục vụ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Nhà nước và Pháp luật và mục đích khoa học là tổng kết, đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học pháp lý trong 30 năm qua. Từ đó gợi mở những định hướng nghiên cứu mới nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Ông lưu ý các thành viên khi tổng kết các lĩnh vực nghiên cứu cần nêu bật vai trò, những đóng góp của Viện Nhà nước và Pháp luật trong 30 năm qua.

 

Đồng ý với chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, để đánh giá được những đóng góp của Viện Nhà nước và Pháp luật thì đề tài cần bổ sung các công trình nghiên cứu tiêu biểu của Viện và tham khảo thêm báo cáo của các phòng nghiên cứu đang thực hiện để phục vụ cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện.

 

Về cách thức thực hiện, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, đề tài cần tiến hành tổng quan theo vấn đề, điểm tên và nêu vấn đề chứ không đi vào chi tiết, cụ thể từng cuốn sách hay từng sản phẩm khoa học. Với mỗi nội dung pháp luật cụ thể, nên chia ra các chế định lớn, trong mỗi chế định lại chia ra các giai đoạn để thực hiện tổng quan.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho biết Hội đồng thẩm định mong muốn đề tài này cần chỉ rõ được phương pháp nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu của các công trình khoa học mà đề tài tiếp cận; từ đó khái quát và đưa ra những đánh giá. Về nguồn tài liệu, đề tài cần tìm hiểu các công trình nghiên cứu đã được các nhà xuất bản phát hành; cuốn sách tổng kết 40 năm thành lập Viện và tham khảo thêm các luận văn, luận án và các bài báo khoa học trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Trong giai đoạn 30 năm, đề tài có thể đặt trọng tâm nghiên cứu vào thời điểm Hiến pháp năm 1992 ra đời.

 

Ngoài ra, cuộc họp cũng nhận được những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Vũ Thư và TS. Phạm Thị Thúy Nga liên quan đến cách thức thực hiện đề tài và lực lượng nghiên cứu. Phát biểu kết thúc cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Như Phát mong muốn các thành viên đề tài hoàn thành chuyên đề của mình ở mức sơ bộ để tiến hành tổ chức tọa đàm theo đúng tiến độ đã đề ra.

Các tin cùng chuyên mục: