•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học Chi đoàn “Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề pháp lý đặt ra”

13/07/2018
Ngày 10/7/2017, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề pháp lý đặt ra”.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Về phía Đoàn TNCS Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có đ/c Nguyễn Thị Hiền, Phó Bí thư Đoàn TN Viện Hàn lâm; đ/c Nguyễn Phương Thùy, Ủy viên BCH Đoàn TN Viện Hàn lâm và các đồng chí đại diện cho Chi đoàn Viện NC Văn hóa và  Viện NC Tôn giáo. Ngoài ra, đến dự tọa đàm còn có đ/c Võ Khánh Linh,  Trưởng Bộ môn Luật, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Đông đảo cán bộ nghiên cứu và các đoàn viên, nghiên cứu viên trẻ Viện Nhà nước và Pháp luật đã tham gia vào buổi sinh hoạt khoa học này.

 

ThS. Nguyễn Tiến Đức (bên trái) và ThS. Chu Thị Thanh An

 

ThS. Chu Thị Thanh An (Bí thư Chi đoàn) và ThS. Nguyễn Tiến Đức (Phó Bí thư Chi đoàn) đồng chủ trì Tọa đàm.

 

Tọa đàm đã thu nhận 12 tham luận phân tích các vấn đề pháp lý trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ban tổ chức đã lựa chọn 07 tham luận để trình bày trực tiếp tại Tọa đàm.  

 

Mở đầu là tham luận của ThS. Nguyễn Thanh Tùng, “Chính sách pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam”. Sau khi giới thiệu khái quát các cuộc cách công nghiệp trước đây và nhìn nhận về CMCN lần thứ tư, tác giả cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thứcnhư sự tụt hậu về công nghệ; suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp; mất an toàn thông tin; vi phạm bản quyền; thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao;… Trước những vấn đề này, ThS. Nguyễn Thanh Tùng đã đưa ra những gợi mở về chính sách pháp luật cho Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay. Chẳng hạn, về vấn đề lao động, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại lao động để kịp thời nắm bắt khoa học công nghệ. Trong lĩnh vực môi trường, các dự báo cho rằng cách thức tác động đến môi trường của con người sẽ thay đổi khi việc tác động đó sẽ thông qua máy móc, thiết bị. Từ đó đặt ra nhu cầu điều chỉnh pháp luật bắt kịp với những thay đổi này, hay nói cách khác, cách thức điều chỉnh hành vi của chủ thể liên quan đến môi trường sẽ cần thay đổi nhằm mục tiêu đảm bảo quyền sống trong môi trường trong lành và phát triển bền vững.   

 

ThS. Nguyễn Thanh Tùng trình bày tham luận

 

Về vấn đề quyền con người, Tọa đàm có tham luận của ThS. Bùi Thị Hường và CN. Trần Thị Loan, “Bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại công nghiệp 4.0”. Theo điều 12 Tuyên ngôn Nhân quyền, quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về noi ở, về thư tín, điện thoại và các loại thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận… Có rất nhiều thách thức đặt ra đối với việc bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại công nghiệp 4.0. Trên không gian số, mỗi cá nhân phải tiết lộ một số thông tin riêng tư nhất định khi thiết lập tài khoản mạng xã hội, thư điện tử cũng như tài khoản trên mạng khác. Các tương tác trong không gian số diễn ra rất nhanh và gần như ngay lập tức khiến con người thiếu sự suy nghĩ cẩn trọng và thường dễ dàng, tự nguyện tiết lộ những thông tin cá nhân của mình. Qua nghiên cứu pháp luật bảo vệ quyền riêng tư ở Hoa Kỳ và Pháp, các tác giả rút ra nhận định rằng việc ban hành một luật chung để điều chỉnh việc thu thập, sử dụng và phổ biến thông tin cá nhân, bổ sung quy định bảo vệ quyền riêng tư của nhóm đối tượng yếu thế và chế tài xử lý (bao gồm truy cứu trách nhiệm hình sự), và thành lập một cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo việc thực hiện bảo vệ quyền riêng tư là cần thiết để giải quyết những thách thức mới xâm phạm đến quyền riêng tư trong Công nghiệp 4.0.

 

Về vấn đề lao động, Tọa đàm đã lắng nghe tham luận của ThS. Hoàng Kim Khuyên và CN. Phạm Thị Hương Giang, “Tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực lao động và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật lao động ở Việt Nam”. Bài viết đã xem xét các bằng chứng về việc tác động, nhận diện những thách thức trong lĩnh vực lao động mà Việt Nam phải đối mặt trong cuộc CMCN 4.0. Qua đó, đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện pháp luật lao động ở Việt Nam trong thời gian tới. Ba tác động chính đến lĩnh vực lao động gồm có: (i) CMCN 4.0 giúp tiết kiệm sức lao động thông qua công nghệ nhưng người lao động mất cơ hội tiếp cận việc làm; (ii) Toàn bộ thông tin được số hóa và minh bạch sẽ đem lại khó khăn cho người sử dụng lao động khi cạnh tranh với các đơn vị khác về tuyển dụng lao động mới và quản trị lao động hiện có; (iii) CMCN 4.0 mang lại cơ hội sáng tạo mới dựa trên tư liệu sản xuất mới, đưa tới quy trình kỹ thuật sản xuất hiện đại nhằm tăng hiệu quả kinh doanh nhưng gây  phá vỡ thị trường lao động hiện có.

 

ThS. Hoàng Kim Khuyên

 

Thị trường lao động ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn như: giảm công việc có tay nghề thấp; gia tăng một số ngành nghề mới; thay đổi trong kết cấu lực lượng lao động giữa các ngành; gia tăng bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận việc làm, chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Trước những thách thức trên, bài viết đã đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện pháp luật lao động, trong đó có quản trị lao động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xây dựng chính sách về nhân sự, quản trị nhân sự hiệu quả để duy trì và đảm bảo công bằng trong quan hệ lao động và có sự cạnh tranh công bằng trong thị trường lao động.

 

Ngoài những tham luận trên, Tọa đàm còn lắng nghe các tham luận khác:

  • Tội phạm mạng trong kỷ nguyên CMCN 4.0 – ThS. Lê Thị Hồng Xuân, CN. Nguyễn Thị Thùy Linh;
  • Tấn công mạng và vấn đề sử dụng vũ lực theo pháp luật quốc tế - ThS. Nguyễn Tiến Đức;
  • Một số vấn đề pháp lý của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ - ThS. Nguyễn Thu Dung;
  • Tác động của CMCN 4.0 đến bảo vệ môi trường – một số khuyến nghị cho Việt Nam - ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (giữa) bình luận tại tọa đàm

 

Bình luận tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, với chủ đề này, các nhà khoa học cần nhìn tác động của CMCN 4.0 theo hai mặt, tích cực và tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm công nghệ trên môi trường ảo để tiếp cận người dân, khách hàng. CMCN 4.0 đang tác động đến cách sống cũng như việc làm của con người. Những thay đổi mạnh mẽ này buộc chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật để phù hợp với bối cảnh mới.

 

Nhìn nhận về chính sách pháp luật trong bối cảnh CMCN 4.0, theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, đó là quan điểm, định hướng, nguyên tắc về sử dụng công cụ pháp luật, chính sách để giải quyết các vấn đề trong xã hội.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương cũng đưa ra những bình luận về các vấn đề như: pháp luật và quản trị quốc gia; cơ sở pháp lý về thuế với những doanh nghiệp kinh doanh xuyên quốc gia.

 

Đ/c Nguyễn Thị Hiền, Phó Bí thư Đoàn TN Viện Hàn lâm

 

Phát biểu tại Tọa đàm, đ/c Nguyễn Thị Hiền, Phó Bí thư Đoàn TN Viện Hàn lâm, đánh giá cao hoạt động khoa học của Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật. Những thông tin, trao đổi tại Tọa đàm giúp đồng chí thu nhận nhiều thông tin bổ ích về những vấn đề liên quan đến CMCN 4.0.

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ThS. Chu Thị Thanh An cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu, các nhà khoa học và khẳng định tọa đàm này sẽ là tiền đề cho các hoạt động khoa học tiếp theo của Chi đoàn trong thời gian tới.

 

Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Các tin cùng chuyên mục: