•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”

07/07/2014
Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật thay mặt cho Viện Hàn lâm tổ chức Tọa đàm khoa học “Góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, ngày 30/6/2014.

Sau buổi tọa đàm này, những ý kiến góp ý của các nhà khoa học sẽ được Viện Nhà nước và Pháp luật tổng hợp, biên tập thành bản báo cáo gửi Bộ Tư pháp thể hiện quan điểm của Viện Hàn lâm về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

 

Bản dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra để thảo luận là bản dự thảo do Bộ Tư pháp công bố ngày 17/6/2014. Chủ trì Tọa đàm là PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh và ThS. Đinh Thị Duy Thanh.

 

 

Mở đầu Tọa đàm, ThS. Nguyễn Hồng Hải – Thư ký Tổ biên tập (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Ông nêu ra những vấn đề chính và điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi:

  • Ghi nhận mọi quyền cụ thể của quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự đều phải được tôn trọng và bảo vệ;
  • Quy định về chế độ giám hộ với cá nhân mềm mại hơn;
  • Pháp nhân là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi tuy nhiên Dự thảo quy định mọi cá nhân và tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân. Pháp nhân chia làm 2 loại: pháp nhân nói chung và pháp nhân không vì lợi nhuận;
  • Cố gắng hạn chế tối đa sự vô hiệu của hành vi pháp lý. Nếu một giao dịch pháp lý không tuân thủ hình thức theo luật định thì không máy móc tuyên bố giao dịch vô hiệu, Tòa án có thể cho phép hành vi đó nếu như có một bên yêu cầu;
  • Hậu quả của hành vi pháp lý vô hiệu;
  • Chế độ đại diện công bằng hơn và mang tính chất đại diện hơn;
  • Bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện;
  • Hình thức sở hữu: chưa có sự thống nhất. Hiện đang đưa ra hai phương án:

+ Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng, sở hữu chung; và

+ Sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung.

  • Thừa kế: sửa đổi thời hiệu khởi kiện thừa kế, không quy định nguyên tác chia di sản thừa kế.

 

Bình luận tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, tư duy về luật tư so với luật công ở Việt Nam còn yếu. Hệ lụy là Tòa án muốn giải thích luật thì các văn bản pháp luật phải được quy định hết sức cụ thể. Nếu không thay đổi nhận thức thì Bộ luật Dân sự này khó có sự đổi mới và khi triển khai không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu văn bản luật nào cũng được quy định cụ thể thì không cần lý thuyết về áp dụng pháp luật. Ông đặt câu hỏi, vì sao Tổ biên tập cho rằng pháp nhân phải quy định chi tiết trong luật chuyên ngành? Có phải để đáp ứng những nhu cầu về quản lý nhà nước hay không?

 

ThS. Nguyễn Hồng Hải (giữa) và PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu (trái).

 

ThS. Nguyễn Hồng Hải trả lời: Cá nhân có quyền lựa chọn là thể nhân hay pháp nhân. Khi là một công ty hay ngân hàng thì luật chuyên ngành sẽ quy định chi tiết. Bộ luật Dân sự chỉ quy định tổng quát. Dự thảo hiện nay sửa theo 2 hướng: quy định chung dấu hiệu chung của pháp nhân và pháp nhân không vì lợi nhuận (phần này cần quy định chi tiết hơn). Theo ý kiến chuyên gia, pháp nhân có thể  chịu trách nhiệm hữu hạn và vô hạn. Tuy nhiên điều này được coi là phức tạp ở Việt Nam nên dự thảo chỉ dừng lại ở trách nhiệm hữu hạn.

 

Trao đổi tại Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh nhận xét: Trong các nguyên tắc cơ bản của dự thảo Bộ luật Dân sự, mọi cam kết chỉ bị giới hạn bởi hai yếu tố: không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội. Ở các quốc gia khác còn nêu ra một yếu tố nữa đó là trật tự công cộng. Tôn trọng bảo vệ quyền dân sự là một phần rất hay. Tuy nhiên trong dự thảo chưa được thể hiện rõ ràng và chưa phù hợp với truyền thống lập pháp, dự thảo cần phải quy định cụ thể hơn.

 

Bình luận về quyền sở hữu và các vật quyền khác trong dự thảo, PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu nhận định: Vấn đề tài sản, quyền sở hữu qua thực tiễn trong những năm qua được nhiều người mong đợi có sự đổi mới theo hướng phải được quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, những ý tưởng được triển khai trong Dự thảo chưa mang đến sự hài lòng. Điều 111 Dự thảo quy định về tài sản so với Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 chỉ là sự tích hợp 2 điều lại, vừa phân loại vừa liệt kê nhưng thực chất vẫn chưa cụ thể. Điều 120 Dự thảo xác định vật quyền cũng được coi là tài sản, điều này gây nhần lẫn giữa quyền với tài sản.

 

Về các vật quyền khác như quyền địa dịch, Dự thảo có sự nhầm lẫn giữa địa dịch với quyền địa dịch. Một số điều quy định về quyền địa dịch nhưng thực chất là nghĩa vụ của chủ sở hữu. Về vật quyền bảo đảm, theo Điều 275, quyền cầm giữ là vật quyền bảo đảm. PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu không đồng ý với quy định này. Ông đưa ra ví dụ: Khi mang xe máy đi sửa, xe được sửa xong mà chủ sở hữu xe không trả tiền dịch vụ thì cửa hàng có quyền giữ lại xe. Điều này chỉ cần quy định trong hợp đồng dịch vụ và cửa hàng có thể viện dẫn hợp đồng dịch vụ để đòi tiền và kiện chủ xe.

 

Theo TS. Trần Văn Biên, Dự thảo cần bổ sung một điều luật thông báo về đề nghị giao kết hợp đồng mà không có bên nhận cụ thể vào phần hợp đồng. Pháp luật về hợp đồng ở nhiều nước trên thế giới và các công ước quốc tế đều đã quy định về vấn đề này. Đây không phải vấn đề mới khi đã có các Nghị định đề cập tới vấn đề này, tuy nhiên chỉ áp dụng với giao dịch thương mại. Bộ luật Dân sự sửa đổi cần pháp điển hóa quy định này.

 

Quy định về lãi suất trong Dự thảo có sự thay đổi, thay mức lãi suất cơ bản bằng mức lãi suất trung bình trên thị trường làm tiêu chuẩn thỏa thuận (Điều 478 Dự thảo). Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tiễn sẽ không thuận tiện, gây mất thời gian, tăng chi phí xã hội. Nên giữ mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm tiêu chuẩn như quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành hoặc quy định trực tiếp mức lãi suất giới hạn tối đa để làm cơ sở cho các bên thỏa thuận.

 

Bình luận về điều kiện giao kết hợp đồng, PGS.TS. Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng, quy định trong Dự thảo về cơ bản là phù hợp tuy nhiên trong một số trường hợp không xác định được hết nội hàm. Ví dụ, một quảng cáo giới thiệu sản phẩm lồng vào một hàng chữ là dành cho các khách hàng đầu tiên. Liệu những người đầu tiên có được cho là xác định đích danh hay không? Điều 415 quy định về điều kiện giao dịch chung là hoàn toàn cần thiết, nhưng cách diễn đạt tại Khoản 2 nên cân nhắc vì nếu chỉ tăng trách nhiệm hay loại bỏ quyền lợi thì trên thực tế nhiều khi không vô hiệu.

 

 

Ngoài những vấn đề nêu trên, các nhà khoa học tại Tọa đàm đã cùng lắng nghe và bình luận về các chủ đề:

  • Các quy định về thừa kế;
  • Vấn đề đại diện;
  • Hợp đồng theo mẫu;
  • Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài  .

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS. Nguyễn Như Phát đề nghị các nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa để Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có chất lượng và sát với thực tiễn hơn. Ông cũng mong muốn Tạp chí Nhà nước và Pháp luật mở chuyên mục riêng về sửa đổi Bộ luật Dân sự từ bây giờ đến cuối năm 2015, như một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến, đề xuất của mình nhằm hoàn thiện Bộ luật Dân sự.

Các tin cùng chuyên mục: