•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học Đề tài cơ sở “Vai trò của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân”

21/07/2014
Sáng ngày 18/7/2014, các thành viên của Đề tài cơ sở “Vai trò của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân” đã tổ chức buổi tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của mình.

Các thành viên Đề tài gồm có ThS. Nguyễn Linh Giang (chủ nhiệm), ThS. Bùi Thị Hường và CN. Trần Thị Loan. Đề tài được nghiên cứu theo 4 chuyên đề:

  • Trách nhiệm, vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân (ThS. Nguyễn Linh Giang);
  • Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động lập pháp của Quốc hội (CN. Trần Thị Loan);
  • Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội (ThS. Bùi Thị Hường);
  • Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thông quan chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội (ThS. Nguyễn Linh Giang).

 

Quốc hội với chức năng lập pháp của mình đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và hệ thống các văn bản luật. Nhận thức của Quốc hội về tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền con người đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp, khi vị trí chương về quyền con người, quyền công dân được chuyển từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 lên Chương II trong Hiến pháp năm 2013.

 

Giám sát là một chức năng cơ bản, quyền đặc biệt của Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với chức năng giám sát tối cao của mình, Quốc hội có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trên cả nước; bảo đảm cho bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn, hoạt động có hiệu quả hơn. Nhìn nhận về chức năng này, ThS. Bùi Thị Hường đã chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua:

- Năng lực của đại biểu Quốc hội trong việc sử dụng quyền chất vấn còn yếu, một số đại biểu không chủ động chất vấn các thành viên Chính phủ vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích của mình;

- Thời gian dành cho việc xem xét các báo cáo công tác của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiếm sát nhân dân tối cao không nhiều;

- Việc giám sát của Quốc hội còn mang tính một chiều, người dân chưa có quyền giám sát các hoạt động của Quốc hội.

 

Trao đổi về chức năng quyết định các chính sách, vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, ThS. Nguyễn Linh Giang đã điểm qua một số quyết định quan trọng của Quốc hội trong thời gian qua: dự án thủy điện Sơn La, dự án bô-xít Tây Nguyên, nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hầu hết các dự án này đều làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Một ví dụ nữa là việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố diễn ra khá thường xuyên qua từng thời kỳ. Việc này ảnh hướng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, viên chức địa phương cũng như người dân, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Hệ quả từ những quyết định này đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến quyền con người.

 

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, ThS. Nguyễn Linh Giang đưa ra một số kiến nghị:

- Cần hoàn thiện quy trình ban hành các quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội;

- Cần chỉnh đốn, cơ cấu lại Ban Dân nguyện của Quốc hội;

- Các quyết định của Quốc hội trước khi thông qua cần được thăm dò, lấy ý kiến của nhân dân;

- Tăng cường nhận thức của đại biểu Quốc hội đối với việc bảo đảm quyền con người;

- Cần hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội với lợi ích của nhân dân khi triển khai các dự án, công trình quan trọng của đất nước.   

Các tin cùng chuyên mục: