•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh: Thực tiễn thực hiện tại địa phương và những vấn đề đặt ra hiện nay”

20/09/2023
Ngày 12/9/2023, tại Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Đề tài cấp Bộ “Chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Việt Nam hiện nay” do TS. Phạm Thị Hương Lan làm chủ nhiệm đã tổ chức tọa đàm khoa học.

Tọa đàm với chủ đề “Chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh: Thực tiễn thực hiện tại địa phương và những vấn đề đặt ra hiện nay” được tổ chức nhằm tìm hiểu thực tiễn và đánh giá thực trạng xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương ở biên giới phía Bắc hiện nay.

 

Chủ trì tọa đàm là TS. Phạm Thị Hương Lan (Viện Nhà nước và Pháp luật) và GS. TS. Nguyễn Hồng Thao (Phó Chủ tịch Ủy ban Luật Quốc tế của Liên hợp quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao). Tham dự tọa đàm có đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật là TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng), các chuyên gia và các thành viên đề tài; về phía tỉnh Lào Cai là các đại biểu đến từ Sở Công thương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Mường Khương…

 

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao và TS. Phạm Thị Hương Lan đồng chủ trì tọa đàm

 

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Thị Hương Lan, Chủ nhiệm đề tài, cho rằng, việc nghiên cứu thực tiễn tại Lào Cai có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là vùng biên giới điển hình của khu vực miền Bắc nước ta, là cửa ngõ giao thương tiềm năng cũng như mở ra nhiều cơ hội lao động cho người dân vùng cận biên. Đây vừa là điều kiện thuận lợi cho phát triển an sinh – xã hội, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh quốc phòng và quản lý nhà nước dưới nhiều góc độ. Vì vậy, nội dung của Tọa đàm sẽ giúp cho việc nghiên cứu, đề xuất các luận cứ khoa học, giải pháp cho xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về biên giới đất liền phản ánh được hơi thở của thực tiễn và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

 

Xoay quanh chủ đề của Tọa đàm, các tham luận của các diễn giả tập trung phân tích chính sách, pháp luật về biên giới đất liền tại Lào Cai liên quan đến các lĩnh vực như: Lao động vùng cận biên, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng, quản lý cư dân vùng biên giới…

 

Về lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Thị Hồng Minh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, các chính sách, pháp luật về biên giới đất liền liên quan đến lao động và an sinh xã hội được triển khai tại địa phương chủ yếu áp dụng các văn bản, quy định pháp luật hiện hành nhằm hỗ trợ người lao động và được thực hiện khá tốt trong thời gian qua. Tỉnh Lào Cai đã ban hành khá nhiều văn bản, trong đó phải kể đến Đề án số 10-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025 với chủ trương cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất 0% thông qua các ngân hàng chính sách để tạo công ăn việc làm, giúp thoát nghèo. Địa phương cũng nỗ lực xây dựng chính sách đưa người lao động địa phương đi làm việc tại nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, do lịch sử chiến tranh biên giới để lại, hầu hết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy nên nhiều công trình, hạng mục phục vụ cho việc nâng cao trình độ, xóa mù chữ cho người lao động phải xây mới trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều lao động trốn qua khu vực biên giới sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp vẫn còn tồn tại.

 

Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Viết Long (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Lào Cai là địa phương vùng cao biên giới, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn; tuy nhiên, tỉnh vẫn đặt mục tiêu cao, quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, rút ngắn sự chênh lệch giữa miền núi và vùng đồng bằng. Để định hình phát triển dài hạn cho nông nghiệp và hiện thực hóa quyết tâm “đi sau, về trước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; UBND tỉnh ban hành 6 chỉ thị, 21 kế hoạch và 10 đề án, kế hoạch, phương án, dự án trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai thực hiện các văn bản này đã góp phần gia tăng thu nhập cho người dân và diện mạo nông thôn phát triển rõ rệt.

 

Về quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia tại địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng (Sở Ngoại vụ) nhìn nhận, cán bộ làm công tác tham mưu cho chính quyền trong quản lý biên giới tại các cấp huyện, xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm khiến cho công tác quản lý biên giới tại địa phương chưa hiệu quả. Để việc quản lý biên giới được thuận tiện, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý biên giới tại các cấp huyện, xã, là những cấp gần dân nhất, để có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân giúp cho công tác tham mưu mới thực sự hiệu quả.

 

Đại diện cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Hữu Hải đưa ra quan điểm, cần xem xét đặc điểm của từng vùng miền, mối quan hệ với vùng biên giới và các nước láng giềng thì chính sách, pháp luật đưa ra mới bám sát thực tiễn. Theo ông, qua thực tế địa phương cho thấy, lao động tại vùng biên giới chủ yếu là lao động chân tay, trình độ thấp mà thiếu các lao động tinh, có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó, các công trình lưỡng dụng phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội còn quá thô sơ, thiếu đầu tư. Ví dụ như đường để đi đến kiểm tra các cột mốc biên giới còn khó khăn, các phương tiện kỹ thuật giám sát khu vực biên giới còn chưa được lắp đặt…

 

Đại tá Nguyễn Văn Đô (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai) phát biểu

 

Đại tá Nguyễn Văn Đô, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, đồng tình với nhận định trong các bài tham luận của các diễn giả về thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Lào Cai là tỉnh có dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, nhưng trình độ dân trí thấp, văn hóa còn lạc hậu và khác biệt, cơ sở hạ tầng chưa phát triển dẫn đến việc quán triệt và thực hiện trực tiếp được các văn bản chỉ đạo của Trung ương về biên giới tại tỉnh còn nhiều khó khăn. Do đó, cần xem xét điều chỉnh các văn bản theo hướng chú trọng các yếu tố đặc thù của tỉnh trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nhất là các vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan nêu quan điểm về chính sách thu hút lao động xuất khẩu giỏi tay nghề trở lại Việt Nam làm việc. Theo bà, việc người dân tại các vùng biên đi xuất khẩu lao động định cư luôn tại nước bạn mà không quay trở về Việt Nam sẽ là sự thất thoát nguồn tài nguyên nhân lực lớn cho nước nhà, nhất là khi họ đã được trau dồi trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và tác phong làm việc. Chính vì vậy, cần có chính sách thu hút họ quay trở về làm việc và phục vụ cho đất nước.

 

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao đề xuất giải pháp cho thực trạng người lao động vùng biên có tâm lý ngại đi lao động nước ngoài, hoặc người xuất khẩu lao động không về nước, không tận dụng được nguồn lực lao động tinh và nguồn vốn khai thác được từ nước ngoài. Theo đó, chúng ta có thể học tập Singapore, Malaysia khi cho người lao động vùng biên giới đi xuất khẩu lao động trong ngày, sáng sang nước bạn làm việc, tối lại trở về nhà.

 

Tọa đàm cũng thu nhận ý kiến trao đổi của đại diện huyện Mường Khương. Ông Lục Văn Thành cho biết, Mường Khương là một huyện nghèo của tỉnh, có 5/10 xã thuộc danh sách các xã nghèo nhất tỉnh. Vì vậy, các chính sách của Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ các huyện nghèo đều được ưu tiên triển khai tại huyện và phần nào giúp huyện từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách của huyện thấp, phụ thuộc vào sự đầu tư của tỉnh nên nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp; các chế độ cho người dân (bán trú, bảo hiểm y tế, giáo dục) chỉ ở mức tối thiểu, nhất là khi xây dựng nông thôn mới, một số xã sau khi ra khỏi danh sách thoát nghèo thì không được tiếp tục đầu tư nên điều kiện vật chất xuống cấp rất nhanh. Nguồn nhân lực quản lý biên giới tại huyện chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc nên công tác quản lý biên giới còn lỏng lẻo, không chuyên trách.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Trước thực trạng của huyện, ông mong muốn Nhà nước, tỉnh sớm ban hành chính sách, pháp luật cho phép huyện Mường Khương chuyển đổi sang hoạt động dịch vụ để phát triển kinh tế bởi huyện có 02 cửa khẩu và các lối mở, thuận tiện cho giao thương. Hơn nữa, ông cũng đề xuất có chính sách ưu đãi để thúc đẩy các ngành hàng chủ lực của địa phương tăng sản lượng, xuất khẩu đi các nước; đồng thời cho phép mở các phiên chợ giữa các xã kết nghĩa của các vùng biên giới để tăng cường giao lưu kinh tế - xã hội.

 

Tại tọa đàm, bà Trần Minh Nguyệt (Học viện Biên phòng, thành viên đề tài) đánh giá cao tính cấp thiết và ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn của đề tài. Đây là chủ đề nghiên cứu hết sức độc đáo liên quan đến vấn đề biên giới mà ít đề tài đề cập đến.

 

Tọa đàm cũng đã lắng nghe ý kiến của TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật). Theo bà, công tác quản lý biên giới trên đất liền là công việc hết sức khó khăn, muốn làm tốt không chỉ đơn vị ngành phải đảm bảo công tác chuyên môn mà còn cần có sự chung sức của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại địa phương cần được chú trọng. Đồng tình với nhận định của TS. Nguyễn Linh Giang về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, Đại tá, TS. Vũ Đình Liêm (Bộ tư lệnh Biên phòng) cho biết, để đảm bảo công tác quốc phòng an ninh khu vực biên giới, hiện ba lực lượng công an, biên phòng và quân sự đã có văn bản phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; cùng với đó là bổ sung thêm cán bộ xã để tăng cường cho các khu vực biên giới.

 

Nhiều đại biểu khác cũng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn nổi cộm, bất cập khác ở Lào Cai: di dân, quản lý công trình xuyên quốc gia, chính sách cho đồng bào dân tộc vùng biên giới khi thay đổi phân vùng, giáo dục người dân, hoạt động hợp tác với nước bạn, phối hợp của lực lượng biên phòng trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương trong quản lý biên giới đất liền...

 

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cán bộ, đại biểu ở địa phương. Nội dung trao đổi của các diễn giả và đại biểu tại Tọa đàm sẽ là sự gợi mở cho những nghiên cứu chuyên sâu của đề tài trong thời gian tới.

 

Các đại biểu, nhà khoa học tham gia tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Các tin cùng chuyên mục: