•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Thực tiễn thực hiện tại địa phương và những vấn đề đặt ra hiện nay”

16/08/2023
Đây là hoạt động khoa học của Đề tài cấp Bộ có tên trùng với tên tọa đàm do TS. Phạm Thị Hương Lan là chủ nhiệm. Tọa đàm được tổ chức ngày 8/8/2023 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tham dự tọa đàm, về phía Viện Nhà nước và Pháp luật có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Phạm Thị Hương Lan (Chủ nhiệm đề tài) và các thành viên đề tài; về phía tỉnh Quảng Bình là các đại biểu đến từ Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hội Luật gia, cán bộ xã Kim Thủy…

 

TS. Phạm Thị Hương (ở giữa bên trái) và TS. Phạm Thị Thúy Nga (ở giữa bên phải) chủ trì tọa đàm

 

TS. Phạm Thị Hương Lan phát biểu khai mạc và giới thiệu khái quát chung về mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở nước ta hiện nay. TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất các luận cứ khoa học, các giải pháp cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về biên giới đất liền thì rất cần các ý kiến tham luận từ những người làm thực tiễn tại địa phương giúp cho việc đề xuất, kiến nghị các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

 

Sau lời phát biểu khai mạc của chủ nhiệm đề tài, tọa đàm diễn ra với các tham luận phân tích chính sách, pháp luật về biên giới đất liền tại địa phương trong các lĩnh vực: tư pháp, giáo dục, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, kinh tế…

 

Về tư pháp, ông Trần Hữu Dân (Sở Tư pháp) nhận định, chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong lĩnh vực tư pháp là một phần quan trọng trong tổng thể chính sách, pháp luật về biên giới đất liền, có liên quan trực tiếp đến người dân khu vực biên giới. Một trong các nội dung của bài tham luận đề cập đến là công tác liên quan đến người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào. Đây là cả quá trình gian nan, từ khâu xác định đối tượng, lấy thông tin, lập hồ sơ bởi hầu hết các đối tượng đều không có giấy tờ tùy thân, không biết chữ và không nhớ rõ tên bố, mẹ đẻ, do đó quá trình kê khai đa số bỏ trống nội dung này. Từ thực tiễn tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú qua biên giới, ông chỉ ra hai vấn đề: (i) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa điều chỉnh đầy đủ các các quan hệ phát sinh hoặc khó áp dụng đối với một số đối tượng đặc thù; (ii) Đối với các vấn đề pháp luật đã có quy định, hướng dẫn thực hiện nhưng thực tiễn triển khai gặp khó khăn do chính bản thân người dân.

 

Trên cơ sở những khó khăn và vướng mắc tại địa phương cho thấy, trong thời gian tới rất cần có các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về những vấn đề liên quan đến quản lý dân cư ở biên giới, đăng ký kết hôn, di cư, cấp giấy đăng ký khai sinh… của người dân ở vùng biên giới.

 

Về giáo dục, ở Quảng Bình, các chính sách đối với học sinh vùng biên giới đất liền, dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Ông Đặng Văn Tuần (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GDĐT cấp huyện đẩy mạnh các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các phòng GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên đề cho giáo viên với các chủ đề như: Đa dạng hóa các hình thức đọc sách nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc Bru - Vân Kiều; Năng cao khả năng sử dụng tiếng dân tộc cho đội ngũ giáo viên đang công tác vùng cao; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu nội trú cho học sinh dân tộc Bru - Vân Kiều…

 

Ngoài những thành quả bước đầu, việc thực hiện các giải pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Ở một số cơ sở giáo dục, trang thiết bị phục vụ dạy học đã cũ, bị xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dẫn đến một số trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học theo Chương trình sách giáo khoa mới. Từ những phân tích trên, tham luận chỉ ra những vấn đề chính về chính sách, pháp luật cần được quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng quản lý và phát triển giáo dục.

 

Để phát triển kinh tế, ông Nguyễn Xuân Tuyến (Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ đã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp người dân thoát nghèo. Ngoài việc cung cấp hàng hóa, lương thực cho người nghèo thì cũng cần phải tạo động lực, điều kiện cho họ lao động cũng như cho họ vay vốn để đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, ở Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác, việc thực thi những chính sách này gặp nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục, điều kiện, ngân hàng. Vì vậy, cách thức thực hiện các chính sách này cần phải thay đổi để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận. Hiện nay, Quảng Bình đã triển khai đầu tư khá hiệu quả cho một số chương trình như: số hóa trong hoạt động quản lý, điều hành; cung cấp Internet đến người DTTS, miền núi; xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã ở khu vực biên giới…

 

Các đại biểu và nhà khoa học tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

 

Các đại biểu ở địa phương cũng nêu ra những tồn tại khác khi thực hiện chính sách, pháp luật về biên giới đất liền trong phát triển kinh tế như:

  • Chứng minh xuất xứ sản phẩm nông nghiệp đặt ra rất nhiều thách thức để tuân thủ theo các quy tắc xuất xứ và chống biến đổi khí hậu. Giá trị sản phẩm xuất khẩu không cao, vấn đề lớn của nhà nước là cần có chính sách về chốn biến đổi khí hậu.
  • Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, một số nơi đã thành lập tổ công tác đi đến từng nhà để thực hiện.
  • Giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Dự án chậm triển khai, nguy cơ mất vốn cao. TS. Phạm Thị Thúy Nga nhìn nhận, có sự giao thoa giữa chính sách, pháp luật về biên giới đất liền với chính sách, pháp luật khác về các vấn đề khác như nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng cao. Những chính sách này không thống nhất, chồng chéo nhau. Nếu có sự giao thoa thì chúng ta phải làm như thế nào. Khi xây dựng thuyết minh cho đề tài, chúng tôi băn khoăn vì chủ đề rất rộng, nhưng nhìn nhận một cách tổng thể thì đề tài có thể phát hiện và lựa chọn những vấn đề chính, căn cơ trong cuộc sống hiện nay.

Tọa đàm thu nhận nhiều ý kiến của các đại biểu là lãnh đạo tại địa phương đại diện cho đồng bào DTTS. Ông Hoàng Văn Linh (Chủ tịch UBND xã Kim Thủy) cho biết, hiện xã đang khan hiếm nguồn lực phát triển. Nếu muốn giúp đỡ được các đồng bào DTTS thì đầu tiên là phải ưu tiên nguồn lực, phát triển nguồn lực để có thể nâng cao nhận thức của họ. Về kinh tế - xã hội thì nguồn vốn có nhưng đến được với người dân để thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội cũng còn nhiều bất cập. Đồng bào dân tộc cần ổn định chỗ ở nhưng nguồn kinh phí để trích đo, làm giấy chứng nhận thì lại rất khó do đó chưa giải quyết được.

 

Trao đổi tại tọa đàm, theo TS. Phạm Thị Hương Lan, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để đi vào cuộc sống phải tìm hiểu thực tiễn tại địa phương đã thực hiện như thế nào. Mục đích của việc xây dựng chính sách, pháp luật là mang lại nhiều lợi ích nhất cho người dân nhưng lại không phù hợp với nguyện vọng và cuộc sống của người dân như trường hợp của UBND xã Kim Thủy vừa nêu. Như vậy, phải chăng khi xây dựng chính sách thì phải phù hợp với từng vùng, miền và đời sống tập tục của người dân tại địa phương.

 

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lài (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình) cho rằng, cùng với chính sách phát triển kinh tế thì cần có chính sách bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên khoáng sản song hành. Chúng ta không chỉ hướng đến việc bảo đảm an sinh cho người dân mà còn cần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguyên trạng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình.

 

Tọa đàm cũng đã lắng nghe Thượng tá Hoàng Ngọc Thiên (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) trình bày tham luận về chính sách, pháp luật về biên giới đất liền nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng. Về văn hóa, Bộ đội Biên phòng xác định ở đâu có văn hóa thì ở đó có ánh sáng vì thế Bộ Chỉ huy đã triển khai các chương trình văn hóa vùng biên, nhiều nhà chưa có điện lưới nhưng có bộ đội biên phòng là có ánh sáng. Việc này giúp bảo đảm an ninh biên phòng. Về giáo dục, Bộ đội Biên phòng triển khai các hoạt động nhằm tăng số lượng trẻ em đến trường. Chính các chiến sĩ bộ đội là thầy giáo mặc quân hàm xanh. Thầy cô về tận bản thì biên phòng cũng đồng hành để xóa mù chữ cho dân.

 

Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn nổi cộm, bất cập khác ở Quảng Bình: giao đất, giao rừng cho người DTTS; nhân lực trong giáo dục; sự hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt, công tác dân số...

 

Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS. Phạm Thị Thúy Nga cám ơn và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cán bộ, đại biểu ở địa phương và đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp tục trao đổi thông tin với đại diện các sở ngành, cán bộ xã, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, Hội luật gia tỉnh và các cơ quan ban ngành khác trong quá trình hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: