•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Kỹ năng và kinh nghiệm đăng bài tạp chí quốc tế”

22/08/2022
Sáng ngày 16/08/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức buổi tọa đàm về kỹ năng và kinh nghiệm đăng bài báo trên tạp chí quốc tế. Diễn giả là hai nhà khoa học của Viện, ThS. Chu Thị Thanh An và ThS. Nguyễn Tiến Đức.

ThS. Chu Thị Thanh An đang là nghiên cứu sinh luật của Đại học Debrecen (Hungary) và ThS. Nguyễn Tiến Đức là nghiên cứu sinh chuyên ngành luật so sánh của Đại học Campania (Italy). Hai diễn giả này đã có một số bài viết được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS.

 

Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng; TS. Trần Văn Biên, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cùng đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

ThS. Chu Thị Thanh An (bên trái) giới thiệu về hoạt động nghiên cứu luật học ở Châu Âu

 

Mở đầu là phần trình bày của ThS. Chu Thị Thanh An về tóm lược hoạt động nghiên cứu luật học ở các nước Châu Âu với 4 nội dung chính: (i) Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu luật học; (ii) Cách thức trích dẫn; (iii) Cách tìm tài liệu chuyên ngành; (iv) Liêm chính khoa học.

 

Trong nội dung đầu tiên, ThS. Chu Thị Thanh An lần lượt giới thiệu và thông tin về các loại nghiên cứu; một số phương pháp nghiên cứu; cấu trúc của một bài báo khoa học. Hiện nay, có nhiều cách để phân chia loại nghiên cứu, một trong số đó là phân chia thành hai loại nghiên cứu chính: nghiên cứu lý thuyết (doctrinal research) nghiên cứu thực chứng (empirical research). Trong đó, nghiên cứu lý thuyết là phát triển các giả thuyết và học thuyết pháp lý thông qua phân tích các quy định pháp luật (nhưng không kiểm nghiệm bằng phương pháp thực chứng), còn nghiên cứu thực chứng thì dựa trên thu thập và phân tích dữ liệu sơ cấp nhằm kiểm tra một câu hỏi nghiên cứu hoặc một lý thuyết mới.

 

Tiếp theo, diễn giả phân tích cụ thể về hai phương pháp nghiên cứu phổ biến hiện nay trong lĩnh vực luật học là nghiên cứu tình huống (case study)phân tích án lệ (case-law analysis), cũng như giới thiệu về cấu trúc của một bài báo khoa học, cách thức trích dẫn, cách tìm các nguồn tài liệu và liêm chính học thuật (hành vi ngụy tạo dữ liệu, đạo văn,…). Về cách thức trích dẫn, ThS. Thanh An chia sẻ, các nhà nghiên cứu cần áp dụng một số chuẩn trích dẫn phổ biến như OSCOLA, Chicago, Bluebook cũng như sử dụng các phần mềm tiêu biểu EndNote, Mendeley và Zotero.

 

ThS. Nguyễn Tiến Đức chia sẻ kinh nghiêm về công bố quốc tế

 

Sau đó, ThS. Nguyễn Tiến Đức cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ năng mà nhà nghiên cứu cần có để bài báo khoa học có thể được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Diễn giả đưa ra quy trình công bố bài tạp chí quốc tế và diễn giải từng bước với trình tự lần lượt là:

  • Tác giả tìm tạp chí phù hợp;
  • Tác giả nắm kỹ hướng dẫn, yêu cầu cũng như mục tiêu, tôn chỉ khoa học của tạp chí;
  • Tác giả nộp bản thảo đến tạp chí;
  • Ban biên tập tạp chí đọc bản thảo;
  • Phản biện đọc bản thảo;
  • Tác giả trao đổi với phản biện;
  • Tạp chí chấp thuận đăng.

Về quy trình phản biện, diễn giả cho biết, thông thường phản biện sẽ là 2 đến 3 học giả hoặc chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm liên quan. Bài viết không chứa thông tin có thể xác định được tác giả để đảm bảo tính khách quan. Thời gian trả lời phản biện là 12 tuần hoặc lâu hơn, phụ thuộc nhiều vào người đọc phản biện. Câu trả lời của phản biện thường có các dạng sau: Chấp nhận (Accepted); Chấp thuận nhưng cần chỉnh sửa (Accepted with Minor Revisions); Từ chối và gửi lại (Reject and Resubmission); Từ chối (Rejected). ThS. Nguyễn Tiến Đức cũng chỉ ra các dấu hiệu để tác giả nhận biết được các tạp chí kém uy tín.

 

TS. Nguyễn Linh Giang phát biểu

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang cám ơn những chia sẻ rất hữu ích của hai diễn giả về kinh nghiệm và kỹ năng viết và đăng bài trên tạp chí quốc tế. Hy vọng từ buổi trao đổi này, dù biết việc này không dễ dàng nhưng TS. Linh Giang mong muốn các nhà khoa học của Viện hãy chủ động, kiên trì, cố gắng hơn để gửi bài đi công bố quốc tế. Có thể trong những lần đầu, bài báo chưa được chấp thuận đăng, nhưng chính từ những hoạt động này sẽ giúp tác giả có thêm nhiều kinh nghiệm để các bài báo sau có chất lượng hơn và được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín.    

 

Tọa đàm cũng đón nhận những trao đổi của TS. Dương Quỳnh Hoa, ThS. Nguyễn Thu Dung, ThS. Phạm Thị Hương Giang và các nhà nghiên cứu khác về nguồn tài liệu quốc tế và trong nước; cách thức viết phần tóm tắt và giới thiệu trong bài báo (abstract, introduction); đạo văn và tự đạo văn; tìm kiếm thông tin, lựa chọn tạp chí uy tín…

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Các tin cùng chuyên mục: