•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Quyền về văn hóa”

18/06/2021


Năm xuất bản: 2020

Số trang: 415

Cuốn sách do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS.TS. Vũ Công Giao và TS. Lã Khánh Tùng đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2020.

 

Quyền về văn hóa (cultural rights, còn được gọi tắt là quyền văn hóa) là một trong những nhóm quyền con người cơ bản (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa) được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia. Mặc dù vậy, đây là nhóm quyền tương đối trừu tượng vì thể hiện còn khá nhiều khía cạnh lý luận, pháp lý và thực tiễn vẫn đang được thảo luận bởi các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các nhà nghiên cứu.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số quyền về văn hóa trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Điều đó là bởi toàn cầu hóa có thể giúp các dân tộc chia sẻ các giá trị văn hóa, song vô hình chung cũng dẫn tới sự “đồng hóa” về văn hóa, thể hiện ở việc phai nhạt bản sắc của nhiều cộng đồng hoặc sự biến mất của nhiều ngôn ngữ và phong tục, tập quán. Thực trạng đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu để tìm ra giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là các cộng đồng thiểu số trong bối cảnh một “thế giới phẳng”.

 

Là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc và mỗi dân tộc đều có những truyền thống văn hóa đặc sắc, việc bảo tồn và thúc đẩy các quyền văn hóa là hết sức cần thiết ở Việt Nam. Bảo vệ các quyền về văn hóa của các dân tộc cũng chính là bảo vệ bản sắc chung của người Việt Nam. Đây là vấn đề đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến quyền văn hóa, trong đó bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, vì vậy việc bảo tồn và thúc đẩy các quyền văn hóa cũng là một nghĩa vụ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

 

Thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về quyền con người, song còn khá ít nghiên cứu về quyền văn hóa. Từ bối cảnh đó, ngày 28/6/2019, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tổ chức Hội thảo “Quyền văn hóa: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam”.

 

Xuất phát từ tầm quan trọng và tính chất thời sự của vấn đề, Khoa Luật quyết định chọn lọc, biên tập các tham luận trong Hội thảo để biên soạn cuốn sách này. Tham luận của TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) hợp tác với ThS. Nghiêm Hoa với tiêu đề “Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới và quyền văn hóa” đã được lựa chọn đưa vào cuốn sách này.

 

Các bài viết trong cuốn sách tập trung làm rõ các khái niệm, nguồn gốc, nội hàm, triết lý, lịch sử phát triển của quyền văn hóa… cũng như khuôn khổ pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia, đặc biệt là pháp luật Việt Nam về nhóm quyền này. Ngoài ra, một số bài viết cũng đã đề cập các cơ chế bảo vệ quyền văn hóa ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Một số tồn tại, hạn chế về tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền văn hóa ở nước ta cũng được xác định, phân tích và nêu giải pháp khắc phục bởi nhiều tác giả.

 

Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.