12/03/2021
Các tác giả biên soạn cuốn sách gồm có: TS. Phạm Thị Hương Lan, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Bùi Đức Hiển, TS. Phan Đức Hiếu, ThS. Nguyễn Thị Kim Anh, ThS. Nguyễn Thu Dung và ThS. Chu Thị Thanh An.
Nhà nước dẫn dắt và chi phối xã hội bằng việc kiến tạo môi trường và cơ hội để các thành viên trong xã hội thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau phát huy khả năng của mình khởi nghiệp và phát triển. Đồng thời, với bộ máy hùng mạnh gồm các cơ quan, tổ chức bảo vệ pháp luật và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nên bình đẳng và công bằng xã hội được ghi nhận trong hiến pháp và pháp luật được đảm bảo thực hiện. Vì vậy, nhà nước có vai trò đối với phát triển xã hội nói chung và quản lý kinh tế thị trường nói riêng để không rơi vào trạng thái rối loạn hoặc phát triển tự phát, thiếu tổ chức và kỷ luật.
Thể chế với tính chất là một thuật ngữ nghiên cứu nhằm chỉ các quy tắc, nguyên tắc, luật lệ và các thiết chế vận hành đã hiện hữu trong mọi chủ đề nghiên cứu về nhà nước và pháp luật, trong đó có chủ đề về nhà nước và kinh tế thị trường. Với ý nghĩa là hai thể chế tồn tại song song với nhau cùng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, sự tác động qua lại giữa nhà nước và thị trường là điều tất yếu. Thực tiễn phát triển có nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau và không có mô hình kinh tế thị trường chung cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, tất cả các mô hình kinh tế thị trường đều cho thấy một điểm chung rằng: Thị trường chưa bao giờ tồn tại nằm ngoài sự tác động và can thiệp của nhà nước1. Thậm chí, một nhà nước mạnh và có năng lực sẽ là tiền đề cho sự phát triển của kinh tế thị trường2.
Trong một nhà nước pháp quyền, bản thân nhà nước cũng là chủ thể phải tuân thủ pháp luật, nhà nước cũng cần phải xác định thẩm quyền của mình, những việc nhà nước được phép làm và những gì không được làm. Chỉ trên cơ sở tự giới hạn thẩm quyền của mình, nhà nước mới tạo ra không gian phù hợp để thị trường và các thể chế phi nhà nước hỗ trợ, bổ sung, tạo tiền đề cho thị trường phát triển.
Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên và độc giả, nhóm tác giả xuất bản cuốn sách “Thể chế pháp lý về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS. Phạm Thị Hương Lan làm chủ biên với mong muốn đem đến cho độc giả cơ sở lý luận và thực tiễn về nội dung này.
Nội dung cuốn sách tập trung trình bày:
Một là, nghiên cứu một số vấn đề lý luận về thể chế pháp lý về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Hai là, phân tích, nghiên cứu đánh giá thực trạng thể chế pháp lý về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, bao gồm: thể chế pháp lý về vai trò định hướng phát triển, điều tiết cho kinh tế thị trường của nhà nước; thể chế pháp lý về vai trò xây dựng môi trường pháp lý cho kinh tế thị trường của nhà nước; thể chế pháp lý về vai trò hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường; thể chế pháp lý về vai trò kiểm soát độc quyền, chống cạnh trạnh không lành mạnh của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; thể chế pháp lý về vai trò đảm bảo an sinh xã hội của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; thể chế pháp lý về vai trò bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Ba là, đề xuất những quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện pháp luật về thể chế pháp lý về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.
Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!
1. Phạm Thị Hồng Điệp, "Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường từ một số học thuyết kinh tế cận, hiện đại và vận dụng vào Việt Nam", sách: Các lý thuyết kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thực tiễn Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh, Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Báo cáo nghiên cứu CIEM/VCCI/VIE/VEPR tháng 12/2015, trang 9.