05/11/2018
Tham gia biên soạn sách gồm có các nhà khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, TS. Trương Vĩnh Khang và TS. Phạm Thị Thúy Nga.
Cho đến nay, nước ta vẫn là một nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn theo đơn vị tụ cư chính là làng (thôn, ấp, buôn, phum, sóc) với những lệ tục lề thói riêng, được bảo lưu lâu bền trước những biến cố lớn lao của lịch sử. Bộ phận cư dân còn lại – dù là công nhân hay trí thức – phần lớn có nguồn gốc là nông dân và dù đã qua một thời gian sống ở đô thị nhưng thói quen của nếp sống làng xã, của người nông dân vẫn còn rất đậm nét. Bên cạnh những mặt mạnh cơ bản, khi bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới, người nông dân cũng như một bộ phận lớn cư dân thuộc các thành phần khác có những hạn chế nhất định. Vì vậy, trong các kế hoạch đổi mới và phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước, vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn luôn luôn có một vị trí đặc biệt. Cũng vì lẽ đó, từ góc độ khoa học pháp lý, việc đi sâu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đời sống chính trị - pháp lý của người nông dân và nông thôn trong hiện tại và cả trong quá khứ nhằm chỉ ra những di sản lạc hậu cần khắc phục, những truyền thống tốt đẹp cần kế thừa, phát huy, qua đó cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc củng cố và nâng cao vai trò của bộ máy nhà nước, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là cho cư dân nông thôn, phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội nông thôn gắn với nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới… đang trở thành một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.
Thực tế đã chỉ ra rằng, đời sống chính trị - pháp lý nước ta trong lịch sử vốn phức tạp và mang nhiều nét đặc thù. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cách thức tổ chức quyền lực ở nước ta về cơ bản vẫn được thiết kế theo kiểu độc đoán, dựa trên quan hệ chỉ huy và phục tùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại một cơ chế cho phép đơn vị xã hội cơ sở phổ biến và bền vững là làng xã được duy trì trong thế độc lập tương đối với chính quyền nhà nước cấp trên. Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, các làng xã – với tư cách là đơn vị hành chính cơ sở của cơ cấu quyền lực thống nhất – lại vẫn được hình dung là một đơn vị cộng cư ổn định, một đơn vị kinh tế sản xuất nhỏ mang tính tự cung tự cấp, có khuynh hướng biệt lập về xã hội và độc lập tương đối về chính trị. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và làng xã luôn có một “độ vênh” nhất định giữa “cái quan phương” và “cái phi quan phương”, giữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước với thực tiễn cuộc sống ở làng xã. Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước khi vào các làng, xã đều ít nhiều phải chịu một sự “khúc xạ” hay “thẩm thấu”. Một thiết chế chính trị - pháp lý đặc biệt như vậy không chỉ bị quy định bởi điều kiện kinh tế - xã hội của làng xã mà còn là sản phẩm trực tiếp của những quan niệm chính trị - pháp lý tồn tại hàng ngàn năm ở bên trong cuộc sống của các đơn vị tụ cư này.
Do đó, chỉ có thể hiểu thấu đáo được trạng thái chính trị - pháp lý của làng xã cổ truyền, tiến tới một bức tranh toàn cảnh về làng xã cổ truyền, lý giải được lối ứng xử trong các quan hệ chính trị - pháp lý của người nông dân xưa và hình dung được diện mạo tổng thể của xã hội Việt Nam truyền thống nếu như chúng ta không bỏ qua việc nghiên cứu tư tưởng chính trị - pháp lý ở làng xã cổ truyền. Ở một khía cạnh khác, việc tìm hiểu tư tưởng chính trị - pháp lý ở làng xã cổ truyền – nơi đa số dân cư sinh sống – là việc làm cần thiết để khẳng định tính thống nhất và đa dạng cũng như những nét đặc sắc của lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý truyền thống Việt Nam.
Nghiên cứu tư tưởng chính trị - pháp lý ở làng xã cổ truyền còn xuất phát từ vị trị của tư tưởng chính trị - pháp lý, với tư cách là một cấu phần quan trọng trong di sản văn hóa tinh thần của cha ông ta, cần phải được lường tính đến trong bối cảnh của công cuộc đổi mới hiện nay. Bởi trên thực tế, dù có muốn thừa nhận hay không thừa nhận trong ý thức chủ quan thì dấu ấn của những tư tưởng chính trị - pháp lý đã từng tồn tại trong quá khứ vẫn hiện lên thông qua những quan niệm, những thói quen, những đạo lý, tâm lý chính trị của mọi tầng lớp cư dân và ảnh hưởng sâu sắc đến diện mạo văn hóa tinh thần cũng như đến mọi mặt của đời sống nhà nước và pháp luật hiện nay. Hơn nữa, về mặt lý luận, bất kỳ sự phủ định biện chứng nào cũng bao hàm sự kế thừa nhân tố này hay nhân tố khác của sự phủ định, bất cứ công cuộc phục hưng nào cũng xuất phát trước hết từ những đặc điểm lịch sử với tất cả di sản chính trị - văn hóa của chính quốc gia dân tộc đó. Vì vậy, muốn hiểu hiện tại mà không đặt nó trong mối liên hệ với quá khứ thì không bao giờ hiểu đầy đủ được hiện tại.
Xuất phát từ những lý do trên, cuốn sách được biên soạn với mong muốn góp thêm cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của tư tưởng chính trị - pháp lý ở làng xã cổ truyền, đáp ứng đòi hỏi của quá trình thống nhất nhận thức, phát huy dân chủ, lành mạnh hóa các quan hệ chính trị - pháp lý, nâng cao vai trò của Nhà nước và pháp luật, xây dựng và quản lý hiện quả nông thôn mới phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!