18/12/2019
Nội dung cuốn sách là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Nhà nước “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, Mã số KX.04.06/16-20 do Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh là Chủ nhiệm.
Ở Chương 1 của cuốn sách, với tiêu đề “Khái quát chung về pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền và thực hiện nguyên tắc pháp quyền”, các tác giả đã khái quát lịch sử tư tưởng pháp quyền. Quan niệm về pháp quyền của một số nhà tư tưởng tiêu biểu trong các thời kỳ đã được các tác giả thông tin. Từ cách tiếp cận nội dung, hình thức, các tác giả đã hệ thống hóa, trình bày, bình luận các nhóm quan điểm, nhận thức về pháp quyền. Khái niệm pháp quyền đã được các tác giả phân biệt với khái niệm pháp chế, pháp trị và Nhà nước pháp quyền. Người đọc tìm thấy trong cuốn sách sự nhận diện các giá trị mang tính phổ biến và tính đặc thù của nguyên tắc pháp quyền. Thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền được các tác giả cuốn sách giải thích trên cả hai phương diện: pháp quyền là một nguyên tắc (nguyên tắc pháp quyền) và pháp quyền là các nguyên tắc pháp quyền (phạm trù bao gồm các nguyên tắc cụ thể). Với nghĩa là các nguyên tắc, pháp quyền đặt ra các đòi hỏi cụ thể như: quyền lực nhà nước được kiểm soát, ràng buộc với pháp luật; pháp luật giữ vị trí tối thượng; bình đẳng trước pháp luật; an toàn pháp lý... Một kết quả nghiên cứu lý luận của cuốn sách cần được ghi nhận là sự nhận diện và khái quát. Nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước dựa trên pháp luật, theo đó, Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong đó có nguyên tắc pháp quyền. Mối quan hệ giữa nguyên tắc pháp quyền với các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền trong hiến pháp của một số quốc gia đã được trình bày trong cuốn sách. Ngoài ra, nội dung lý luận của thực hiện nguyên tắc pháp quyền như khái niệm, nội dung thực hiện nguyên tắc pháp quyền, các hình thức thực hiện nguyên tắc pháp quyền, phạm vi áp dụng nguyên tắc pháp quyền, các chỉ số đánh giá tính pháp quyền của một nhà nước, lợi ích của thực hiện nguyên tắc pháp quyền, các điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp quyền cũng được các tác giả trình bày, phân tích có tính hệ thống ở Chương thứ nhất của cuốn sách.
Chương 2 cuốn sách đã thông tin, phân tích thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Hoa Kỳ, Đức, Pháp (các quốc gia tiêu biểu trong thực hiện nguyên tắc pháp quyền); ở Ba Lan, Hungary (các quốc gia có quá trình chuyển đổi giống như Việt Nam từ chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa sang chế độ pháp quyền) và ở Trung Quốc (nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về chế độ chính trị, văn hóa). Ở mỗi quốc gia, cuốn sách đã phản ánh một số quan niệm về pháp quyền; phân tích sự thể hiện nguyên tắc pháp quyền trong quy định của hiến pháp; thông tin về thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền và nhận xét, so sánh.
Chương 3 với tiêu đề “Xây dựng ý thức pháp quyền ở Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế” đã phản ánh thực trạng nhận thức về nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu so sánh và nhận thức về tính phổ biến, tính đặc thù của nguyên tắc pháp quyền, các tác giả cuốn sách đã đề xuất mô hình nhận thức về nguyên tắc pháp quyền và gợi mở giải pháp xây dựng ý thức pháp quyền ở nước ta.
Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!