•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cần đổi mới cách quản lý hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

10/07/2013
Ngoài một chương quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Chương X) tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, thì vấn đề này còn được điều chỉnh tại 2 nghị định, 2 thông tư liên tịch và nhiều văn bản QPPL liên quan khác... Tuy nhiên, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã nảy sinh những vấn đề ngoài sự mong muốn của các nhà làm luật, cũng như cơ quan quản lý.
Những câu chuyện từ thực tiễn
 
Khó liệt kê hết những văn bản QPPL liên quan hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, gần đây nhất có Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (thay thế Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP) với những quy định mới như bổ sung Giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đăng ký kết hôn trong trường hợp cần thiết; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài…
 
Theo đánh giá của đại diện Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tương đối đầy đủ, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, song từ thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) cũng như những vấn đề của từng địa phương phải giải quyết mới thấy được tính chất phức tạp của hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Chẳng hạn, người Việt Nam đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước mà trốn ở lại sống lưu vong ở nước đó, người vợ (chồng) ở Việt Nam muốn ly hôn với họ, nhưng không biết họ đang ở đâu, không có liên lạc với gia đình. Hoặc trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau một thời gian sinh sống với vợ (chồng) ở nước ngoài trở về Việt Nam và có yêu cầu ly hôn với chồng (vợ) của mình đang ở nước ngoài. Mặc dù, các trường hợp trên Tòa án đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết (ủy thác tư pháp…) nhưng vẫn không có kết quả, dẫn đến vụ việc không được giải quyết, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của đương sự.
 
Trong quản lý trật tự xã hội, hôn nhân có yếu tố nước ngoài luôn là vấn đề nóng ở các địa phương. Tại các tỉnh biên giới, nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam và nam giới nước ngoài không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của 2 nước; xuất hiện trường hợp phụ nữ Việt Nam chung sống như vợ chồng với chuyên gia, công nhân nước ngoài nhưng không đăng ký kết hôn tại một số địa phương có dự án đầu tư của nước ngoài; ở một số tỉnh phía nam, đã xuất hiện một số nam giới gốc Phi không có giấy tờ, lý lịch rõ ràng, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam. Hậu quả là, không ít phụ nữ tìm cách quay trở lại Việt Nam, phải mang hoặc gửi con về cho gia đình ở Việt Nam nuôi. Trong khi đó, hiện chưa có những quy định để giải quyết vướng mắc về hộ tịch cho trẻ em là con chung của phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài khi theo mẹ về cư trú ở trong nước.
 
Không chỉ hoàn thiện thể chế
 
Điều kiện kết hôn với người nước ngoài; từ chối đăng ký kết hôn; về chức năng tư vấn, môi giới hôn nhân của các trung tâm hỗ trợ kết hôn... là trục chính xoay quanh câu chuyện hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là những quy định nhận được nhiều ý kiến góp ý trong quá trình tổng kết 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh nêu ví dụ, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10.7.2002 của Chính phủ thì việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam mà tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, thì ngoài việc mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn. Như vậy, quy định về điều kiện kết hôn đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài áp dụng tương tự như hôn nhân trong nước, không có quy định về các điều kiện đặc biệt khác. Thực tế này cho thấy, cần quy định chặt chẽ các điều kiện kết hôn với người nước ngoài, bổ sung một số điều kiện cần thiết như điều kiện về trình độ ngôn ngữ, về sức khỏe, đã trải qua lớp đào tạo về văn hóa hôn nhân, gia đình của nước ngoài...
 
Từ góc độ cải cách thủ tục hành chính, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội cho rằng, việc nhiều cơ quan phối hợp, nhiều cấp tham gia giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài đã dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm, gây sự tùy tiện của từng cơ quan và đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, cuối cùng người dân lại phải chờ đợi. Nhiều trường hợp để lấy được Đăng ký kết hôn, công dân phải mất 30 hoặc 50 ngày làm việc. Đó là chưa kể đến những quy định mang nặng tính hình thức như việc phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam nữ để làm rõ sự tự nguyện. Thực tế, 100% công dân được hỏi đều trả lời họ tự nguyện và thường né tránh việc phỏng vấn nhất là người nước ngoài.
 
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như kiến nghị của đại diện các Sở Tư pháp cho thấy, nhiều quy định liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mang tính hình thức, thiên về quản lý nhà nước, chưa tạo điều kiện cho người dân. Không ít vấn đề dường như nằm ngoài tầm quản lý của các cơ quan chức năng (hoạt động của các trung tâm môi giới; cò môi giới hôn nhân…); hoặc vai trò của Nhà nước hết sức mờ nhạt, chưa hiệu quả (Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài). Như vậy, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thì rất cần sự đổi mới trong cách thức quản lý, điều hành những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nhà nước muốn quản lý (dân cư, quốc tịch - gốc của những vấn đề về tài sản) thì cần nhìn nhận trên tinh thần cải cách hành chính, tạo thuận tiện cho người dân để người dân tham gia vào quan hệ quản lý hành chính - hộ tịch.
 
Box: Tính đến hết tháng 6.2012 đã có trên 340.873 trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thuộc trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó nhiều nhất là Đài Loan, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Australia, Thụy Điển…
 
(Theo http://daibieunhandan.vn)

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/