•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập (2/12/1953 – 2/12/2013)

04/12/2013
Sáng ngày 2/12/2013, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (2/12/1953 – 2/12/2013).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tham dự Lễ kỷ niệm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng hân hạnh được tiếp các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành của Đảng và Chính phủ, các đồng chí đại diện các tỉnh thành phố, các cơ sở đào tạo. Đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đến dự và đưa tin về sự kiện trọng đại này.  

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
 

Về phía khách quốc tế có: PGS.TS. Thongsalith Mangnomek, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; TS. Oum Pom, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Camphuchia; Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc, Đại diện thường trú của UNDP; Trưởng Đại diện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam; đại diện Trung tâm trao đổi Giáo dục với Việt Nam (CEEVN), Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) tại Việt Nam, Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF tại Hà Nội.

Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đồng chí Phạm Như Cương, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS.VS. Nguyễn Duy Quý, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; các đồng chí trong Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ; các đồng chí Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ và các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay; các đồng chí Chủ tịch Công đoàn qua các thời kỳ và các đồng chí trong Ban thường vụ Công đoàn hiện nay; các đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm qua các thời kỳ và các đồng chí trong Ban thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay; các đồng chí Viện trưởng và Phó Viện trưởng, Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập Tạp chí, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban chức năng, các đồng chí Giám đốc và Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Nhà xuất Bản Khoa học xã hội, Nhà xuất Bản Từ điển Bách Khoa và các Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn Lâm; các đồng chí là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học đã và đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đồng chí đại diện cho Hội đồng thi đua khen thưởng, Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ, Ban Chỉ huy quân sự, Ban Phòng cháy chữa cháy, Hội cựu chiến binh, Chi hội nhà báo và Chi hội cựu viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nhân dịp này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhận được các lẵng hoa chúc mừng của các đồng chí: Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Trong diễn văn kỷ niệm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã điểm lại một số nét khái quát về lịch sử phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những thành tựu cơ bản Viện Hàn lâm đạt được trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng phát triển Viện Hàn lâm giai đoạn 2011-2020. Giáo sư Chủ tịch Viện nhấn mạnh, sự lao động sáng tạo không mệt mỏi, những đóng góp khoa học đáng trân trọng của các thế hệ cán bộ khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong suốt 60 năm qua đã được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư của Đảng trong lần về thăm Viện vào năm 1996, đã nhấn mạnh Viện “đã cố gắng từng bước khắc phục sự chậm trễ, đưa khoa học xã hội và nhân văn dần bắt kịp những vấn đề của thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới”. Năm 1998, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã ghi nhận “nhiều sản phẩm khoa học xã hội và nhân văn có chất lượng ra đời, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp trong việc góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đặc biệt, “nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới” như lời phát biểu của Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong dịp đồng chí về thăm Viện vào năm 2002. Với những đóng góp và cống hiến khoa học to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cá nhân và tập thể thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý và nhiều huân, huy chương bậc cao: huân chương độc lập hạng nhì, hạng nhất; huân chương Hồ Chí Minh và trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Viện đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước: Huân chương sao vàng. Đặc biệt, có 20 công trình, cụm công trình của Viện đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước - những giải thưởng lớn nhất về khoa học công nghệ của nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm

với Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
 

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đã được nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu ý kiến. Đồng chí Tổng bí thư khẳng định, suốt 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ và viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; xây dựng Viện xứng đáng là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, đồng chí Tổng bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập Viện cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí Tổng bí thư nhấn mạnh, hiện nay, đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển rất quan trọng. Bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, biến động rất phức tạp, khó lường. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, hợp tác cùng phát triển là xu thế không thể đảo ngược, nhưng cạnh tranh quốc tế, tranh giành lợi ích và ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo ngày càng quyết liệt; chiến tranh, bạo loạn, lật đổ, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nhân loại đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống, đặc biệt là vấn đề dân số, biến đổi về cơ cấu xã hội, phân hoá giàu nghèo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh mạng… Ở trong nước, thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, đất nước hiện gặp nhiều khó khăn gay gắt. Sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tất cả tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn; nhiều vấn đề lý luận cơ bản về sự phát triển của đất nước đang cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có câu trả lời chính xác, trước hết là từ những người làm công tác khoa học xã hội. Ở đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có vai trò cực kỳ quan trọng.
     
Thay mặt cho thế hệ các nhà khoa học lão thành, GS. Phạm Xuân Nam, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát biểu ôn lại kỷ niệm, những đóng góp to lớn của các cán bộ quản lý cấp cao của Viện, của các nhà khoa học lớn, những trí thức hàng đầu của đất nước đã công tác tại Viện qua các thời kỳ, những tên tuổi được một số nhà nghiên cứu gọi là “thế hệ vàng” của nền khoa học xã hội nước nhà như: Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Trần Phương, Phạm Huy Thông, Vũ Khiêu, Đào Văn Tập, Phạm Như Cương, Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Văn Giáp, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Đổng Chi và nhiều nhà khoa học khác. Được sự hướng dẫn, dìu dắt của “thế hệ vàng” các nhà khoa học bậc thầy và đàn anh đó, đông đảo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội thuộc các thế hệ kế tiếp đã từng bước trưởng thành. Giáo sư cũng điểm lại những công trình lớn tiêu biểu đầy ấn tượng, là thành quả nghiên cứu khoa học của các cán bộ Viện Hàn lâm đã đạt được qua các thời kỳ, về hoạt động của hàng chục cán bộ chủ chốt được huy động tham gia tổ biên tập Cương lĩnh năm 1991, tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, các tổ biên tập một số nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về khoa học, giáo dục, văn hóa,… vào những năm 90 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, Viện lại huy động đông đảo các nhà khoa học tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ trọng điểm do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ yêu cầu, góp phần tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 sau 20 năm đi vào cuộc sống, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Những kiến nghị của Viện về hệ quan điểm phát triển bền vững đất nước, về sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên lợi thế so sánh động để tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, về nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, về giải pháp đối với các vấn đề văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo,..  trong tình hình mới, được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và đánh giá cao. GS. Phạm Xuân Nam bày tỏ sự tin tưởng vững chắc rằng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều thành tựu to lớn hơn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Đại diện cho thế hệ trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Võ Xuân Vinh, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát biểu khẳng định niềm tự hào của thế hệ trẻ là những người đang và sẽ viết tiếp trang sử 60 năm vẻ vang của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng thời ý thức rằng, những thành quả khoa học được kế thừa hôm nay là mồ hôi, là trí tuệ và thậm chí là máu, là nước mắt của các thế hệ các nhà khoa học xã hội đúc kết trong khói lửa đạn bom của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, của các cuộc chiến tranh biên giới, của thời kỳ thống nhất nước nhà, tiến lên XHCN và thời kỳ đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Đồng chí Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm nhấn mạnh, lực lượng cán bộ và các nhà nghiên cứu khoa học chủ chốt trong tương lai của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã xác định: thứ nhất, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng tôi quyết tâm cố gắng học tập nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học xã hội ngang tầm với các nước dẫn đầu ASEAN vào năm 2020 và từng bước đạt trình độ thế giới như đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của BCH Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ. Thứ hai, kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học đáng tự hào mà các thế hệ các nhà khoa học đã dày công vun đắp, tận dụng điều kiện thuận lợi của môi trường hòa bình, ổn định của nước nhà để tiếp cận các tri thức khoa học tiên tiến của thế giới, chúng tôi nguyện đem hết tâm sức và tài lực của mình để tiếp nối những thành quả của cha ông, xứng đáng với niềm tin của các thế hệ các nhà khoa học đi trước và sự kỳ vọng của xã hội, xứng đáng là những người cán bộ, những nhà nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hiện nay, Đoàn Viện Hàn lâm có gần 30 tiến sĩ, trên 400 thạc sĩ và một số lượng không nhỏ đang học nghiên cứu sinh tiến sĩ và thạc sĩ; nhiều người trong số này đã thể hiện được năng lực khoa học của mình khi có nhiều công trình được xuất bản ở nước ngoài; họ cũng xuất hiện nhiều hơn trên các diễn đàn khoa học tầm cỡ khu vực và quốc tế với tư cách là các diễn giả tại các hội thảo, hội nghị khoa học lớn. Đó chưa phải là những con số có thể hài lòng nhưng chúng tôi coi đó là nền tảng để nỗ lực hơn để có thể vươn xa hơn. “Tự hào với quá khứ, tin tưởng ở hiện tại, sẵn sàng cho tương lai”, thế hệ trẻ chúng tôi quyết tâm xứng đáng là những cán bộ, là các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra trong không khí trang trọng, trong tình cảm ấm cúng chân tình giữa các thế hệ cán bộ của Viện, trong niềm tự hào của những người đã và đang cống hiến cho nền khoa học xã hội nước nhà./.
 

TS. Vũ Hùng Cường

(Theo http://vass.gov.vn)