•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hợp tác quốc tế

07/11/2008
Trước năm 1991, sự hợp tác quốc tế được triển khai khá toàn diện với các Viện nghiên cứu về khoa học pháp lý thuộc các nước XHCN trước đây, đặc biệt là với Liên Xô và CHDC Đức. Đã có nhiều chương trình hợp tác nhiều bên và song phương được ký kết, các cuộc hội thảo khoa học quốc tế và hai bên đã được tổ chức trong đó đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật Việt Nam đã góp phần tham gia xứng đáng của mình. Nhờ sự hợp tác đó mà nhiều nhà khoa học của Viện đã có dịp tiếp xúc với các học giả nước bạn, trưởng thành về mặt khoa học.

Viện Nhà nước và Pháp luật luôn luôn ghi nhận sự giúp đỡ vô tư và to lớn của các nhà khoa học các nước bạn XHCN, ghi nhớ công lao của những người thầy dạy của mình, luôn luôn giữ gìn tình cảm trong sáng và sẽ cố gắng để duy trì sự hợp tác hữu nghị đó trên những nền tảng mới và trong những điều kiện mới.
    Bắt đầu từ đầu những năm 90 (thế kỷ XX) sự hợp tác khoa học quốc tế của Viện Nhà nước và Pháp luật đã được triển khai với các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy của một số nước khác trên thế giới và trong khu vực như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Cộng hòa liên bang Đức…Nhiều cuộc đi thăm, trao đổi khoa học và tham dự các cuộc hội thảo quốc tế được thực hiện thường xuyên. 
Sau năm 2001, Viện Nhà nước và Pháp luật đã có bước ngoặt quan trọng trong hoạt động hợp tác khoa học quốc tế. Nhiều cơ quan, tổ chức khoa học có uy tín của nước ngoài đã trở thành đối tác quan trọng của Viện như: Viện KAS (CHLB Đức), Tổ chức trao đổi hàn lâm DAAD (CHLB Đức), Khoa Luật- Đại học tổng hợp Potsdam (CHLB Đức), Viện Luật- Đại học tổng hợp Lunerburg (CHLB Đức), Khoa Luật- Đại học tổng hợp Nagoya (Nhật Bản) và Viện Nhà nước và Pháp luật CHLB Nga. 

2. CÁC ĐỐI TÁC CHỦ YẾU CỦA VIỆN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
2.1. Với Viện KAS
Từ sau những năm thực hiện chính sách Đổi Mới của Đảng và Nhà nước ta, Viện KAS – Viện được sáng lập bới Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức sau thế chiến thứ hai đã mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội để thực hiện những hoạt động hỗ trợ phát triển cho Việt Nam thông qua các Dự án khuyến khích phát triển dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách bộ máy nhà nước cũng như cải cách kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường xã hội và giảm nghèo.
Viện KAS đã chính thức đặt quan hệ với Viện Nhà nước Pháp luật từ năm 2001 và liên tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu cho Viện từ đó đến nay thông qua các hình thức đa dạng như: Tài trợ cho Hội thảo; Cử chuyên gia sang trao đổi khoa học; Tài trợ xuất bản; Tài trợ nghiên cứu; Tài trợ cho cán bộ của Viện Nhà nước và pháp luật trao đổi học thuật tại CHLB Đức…  
Bằng các hoạt động khoa học của mình, Viện Nhà nước và Pháp luật đã được Viện KAS đánh giá là một trong những đối tác chiến lược của Viện KAS khi triển khai các hoạt động của mình tại Việt Nam. Nhiều kết quả hợp tác nghiên cứu giữa hai Viện đã được nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, sử dụng để hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật trong tiến trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam.

2.2 Tổ chức trao đổi hàn lâm DAAD  CHLB Đức
Được thành lập năm 1925 tại Heidelberg bởi các Trường Đại học Đức, DAAD hỗ trợ và tài trợ các Chương trình trao đổi Hàn lâm giữa các Trường Đại học Đức với các Trường Đại học Quốc tế thông qua các Văn phòng Đại diện của mình trên toàn cầu. Đồng thời DAAD cũng là Cơ quan thực hiện việc kết nối về Văn hóa và Giáo dục của Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức. Bởi vậy, DAAD là một tổ chức phi lợi nhuận và ngân sách của DAAD được chu cấp bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu và các Bộ, Ngành liên quan khác của Đức.
Từ năm 1997 đến nay, DAAD đã liên tục cấp học bổng sau đại học và trao đổi khoa học tại CHLB Đức cho các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật. Trong những năm gần đây, DAAD cũng là địa chỉ tin cậy của Viện Nhà nước và pháp luật khi phối hợp các hoạt động nghiên cứu quốc tế với Viện KAS. Bước đầu, DAAD cũng đã thực hiện trợ giúp về tài liệu nghiên cứu cho Viện Nhà nước và pháp luật.   

2.3  Khoa Luật – Đại học tổng hợp Potsdam
Được hình thành từ Trường đào tạo cán Bộ Nội vụ của CHDC Đức sau khi thống nhất nước Đức, Khoa Luật – Đại học tổng hợp Potsdam là cái nôi nghiên cứu khoa học pháp lý của các nhà khoa học pháp lý Đức của Bang Brandenburg.
Với sự giúp đỡ của GS. TS. Carola Schulze (Nguyên Trưởng khoa) và GS. TS. Dieter Umbach, nhiều cán bộ  của Viện Nhà nước và Pháp luật đã được cử trao đổi khoa học và đào tạo sau đại học tại đây. Đến nay, Khoa Luật của Đại học tổng hợp Potsdam đã giúp đào tạo cho Viện Nhà nước và pháp luật hai cán bộ bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ Luật và đã trợ giúp cho nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật.   

2.4. Viện Luật- Đại học tổng hợp Luenerburg (CHLB Đức)
Mặc dù là một cơ sở đào tạo Luật nằm ở phía Tây của CHLB Đức, nhưng Viện Luật -Đại học tổng hợp Lunerburg đã có những hoạt động trao đổi học thuật với Việt Nam từ những năm đầu của công cuộc đổi mới ở nước ta.
Với sự trợ giúp quý báu của GS.TS. Simon – Chủ tịch Viện,  Viện Luật -Đại học tổng hợp Luenerburg cũng là địa chỉ tin cậy cho Viện  Nhà nước và pháp luật cử cán bộ nghiên cứu sang trao đổi và học tập từ năm 1997 cho đến nay. 
Phối hợp với Viện KAS, Viện Luật -Đại học tổng hợp Luenerburg cũng đã nhiều lần cử chuyên gia sang trao đổi học thuật và hỗ trợ cho các chương trình nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật. 

2.5. Khoa Luật- Đại học tổng hợp Nagoya (Nhật Bản)
Với những nỗ lực lớn lao của GS. TSKH. Đào Trí úc- Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật và GS. TS. Aikyo –  Khoa Luật, Đại học tổng hợp Nagoya, hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa hai đơn vị đã được hình thành từ rất sớm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Khoa Luật, Đại học tổng hợp Nagoya còn là nơi nhiều cán bộ nghiên cứu Viện Nhà nước và pháp luật trao đổi khoa học và đào tạo sau đại học. Đến nay, Khoa Luật của Đại học tổng hợp Nagoya đã giúp đào tạo cho Viện Nhà nước và pháp luật hai cán bộ bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ luật học và đã trợ giúp cho nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật.   

2.6. Viện Nhà nước và Pháp luật CHLB Nga
Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống với Viện Nhà nước và pháp luật Liên Xô trước đây, Viện Nhà nước và Pháp luật vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác khoa học nhiều mặt với Viện Nhà nước và Pháp luật CHLB Nga. Trong nhiều năm qua, Viện Nhà nước và pháp luật vẫn tiếp tục cử cán bộ nghiên cứu trao đổi khoa học tại Viện Nhà nước và Pháp luật CHLB Nga.
Trong bối cảnh mới, các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa hai Viện vẫn được thực hiện có hiệu quả cao và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển khoa học pháp lý của mỗi quốc gia. 

3.NỘI DUNG HỢP TÁC QUỐC TẾ
3.1 Hội thảo khoa học quốc tế
Với sự trợ giúp quý báu của các tổ chức quốc tế, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế và nhiều kỷ yếu của các cuộc Hội thảo này đã trở thành tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật tại Việt Nam, cụ thể là:
- Năm 1993, Viện Nhà nước và pháp luật đã được Chính phủ giao chủ trì Hội thảo quốc tế về chủ đề “Xã hội và pháp luật” tại Hà Nội. Viện đã tiếp và toạ đàm khoa học với nhiều nhà khoa học quốc tế;
- Năm 2001, Viện Nhà nước và pháp luật phối hợp với The Mansfield Center for Pacific Affairs, đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh Việt Nam” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
- Năm 2002, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Khoa Luật, Đại học tổng hợp Nagoya đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn hiện nay”;
- Năm 2003, Viện Nhà nước và pháp luật phối hợp với Khoa Luật, Đại học tổng hợp Nagoya đã tổ chức thành công 2 Hội thảo quốc tế  “Tổ chức thương mại thế giới và cải cách pháp luật ở Việt Nam” và “Cải cách pháp luật và cải cách tư pháp nhìn từ vấn đề tranh chấp đất đai”; phối hợp với Viện KAS tổ chức thành công hai Hội thảo quốc tế về “Nhà nước pháp quyền”;
- Năm 2004, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Khoa Luật, Đại học tổng hợp Nagoya đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế  “Cải cách hành chính và pháp luật ở Việt Nam và Nhật Bản”; phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tổ chức thành công Hội thảo quốc tế  “Việt Nam và Na Uy đương đại”;
- Năm 2005, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế  “Cải cách tư pháp vì sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam”;
- Năm 2006, Viện Nhà nước và pháp luật phối hợp với Viện KAS đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế  “Xã hội dân sự ở Việt Nam và những khía cạnh Nhà nước pháp quyền”;  là lực lượng nòng cốt dưới sự chỉ đạo của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch đã tổ chức thành công Hội thảo “Giáo dục về quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế”;
- Năm 2007, Viện Nhà nước và pháp luật phối hợp với Viện KAS đã tổ chức thành công hai Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình tài phán Hiến pháp ở Việt Nam” và “Chủ nghĩa lập hiến ở Châu á – Sự phát triển và triển vọng”.   

3.2. Trao đổi khoa học
Trong những năm qua, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử  nhiều đoàn cán bộ nghiên cứu đi trao đổi khoa học tại các quốc gia: CHLB Nga, CHLB Đức, Cộng hòa Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đan Mạch, Thụy Điển, Thái Lan và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Cụ thể là:
- Năm 1994, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử một số doàn trao đổi khoa học về pháp luật dân sự, pháp luật môi trường, pháp luật về hợp đồng và pháp luật về đất đai... tại Trường Đại học Nagoya, Nhật Bản và cử cán bộ nghiên cứu tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu so sánh cơ chế ban hành chính sách” do Hiệp hội hành chính công Hàn Quốc tổ chức tại Seoul;
- Năm 1995, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử cán bộ nghiên cứu tham dự Hội nghị chủ nghĩa lập hiến quốc tế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản (tháng 9) ; …
- Năm 1997, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử một Đoàn trao đổi khoa học về pháp luật xã hội tại Trường Đại học Potsdam và Trường Đại học Luenerburg, CHLB Đức  và một Đoàn trao đổi khoa học về lịch sử Nhà nước và pháp luật tại Seoul, Hàn Quốc;
- Năm 2002, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử cán bộ nghiên cứu tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ văn hóa Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ cổ trung đại”, tại Bắc Kinh, Trung Quốc ; 
- Năm 2003, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử cán bộ nghiên cứu tham gia Đoàn trao đổi khoa học về Nhà nước pháp quyền tại Trường Đại học Potsdam, CHLB Đức  và cử một Đoàn trao đổi khoa học về các vấn đề đổi mới pháp luật về tổ chức nước Nga và vấn đề pháp luật quốc tế tại Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Nga ;
- Năm 2004, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử cán bộ nghiên cứu  tham gia Hội thảo khoa học quốc tế do DAAD tổ chức tạo Bangkok, Thái Lan;
- Năm 2005, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử một Đoàn trao đổi khoa học tại Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga  trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Việt Nga của Viện khoa học xã hội Việt Nam ;  
- Năm 2006, Viện Nhà nước và Pháp luật đã cử nhiều Đoàn và cán bộ đi trao đổi khoa học về Nhà nước pháp quyền tại Singapore ; về pháp luật Trọng tài thương mại  tại Copenhagen, Đan Mạch ; về  chương trình đào tạo sau đại học tại Đại học Lund, Thụy Điển ; cử cán bộ  tham gia Hội thảo quốc tế về ”Sự chuyển đổi Nhà nước, xã hội và cải cách pháp luật” tại Trường Đại học Nagoya, Nhật Bản, về “Bình đẳng giới và pháp luật” tại Seoul, Hàn Quốc ;
Các hoạt động trao đổi khoa học này đã giúp cán bộ nghiên cứu của Viện tiếp nhận những thông tin mới về  sự phát triển của khoa học pháp lý đương đại, những vấn đề pháp lý mới như: pháp luật thương mại quốc tế, chống khủng bố, nhân bản vô tính.., và đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các vấn đề pháp lý nảy sinh trong các nền kinh tế chuyển đổi. Nhiều nội dung trao đổi khoa học đã được tập hợp thành các kiến nghị khoa học chuyển cho các cơ quan hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nghiên cứu sử dụng. 

3.3 Xuất bản
Sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho Viện Nhà nước và pháp luật còn được thực hiện dưới hình thức tài trợ xuất bản. Với sự giúp đỡ quan trọng này, nhiều công trình khoa học của Viện đã có điều kiện ra mắt bạn đọc trên toàn quốc với hình thức đẹp và trang nhã. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều công trình khoa học đã được chuyển đến các địa chỉ khoa học, đến các cơ quan hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật như những tài liệu tham khảo quan trọng. Trong số đó, phải kể đến các công trình sau đây:
- “Nghiên cứu pháp luật Việt Nam thế kỷ XV – XVIII” xuất bản năm 1993 với sự tài trợ của Toyota Foundation;
- “Cạnh tranh và xây dựng pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Như Phát và PGS. TS. Trần Đình Hảo đồng chủ biên được xuất bản năm 2001 với sự tài trợ của Viện KAS;
- “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay” do PGS. TS. Nguyễn Như Phát và PGS. TS. Lê Minh Thông đồng chủ biên được xuất bản năm 2001 với sự tài trợ của Viện KAS;
- “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách, pháp luật xã hội” do PGS. TS. Phạm Hữu Nghị chủ biên được xuất bản năm 2002 với sự tài trợ của Viện KAS;
- “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS. TSKH. Đào Trí Úc và PGS. TS. Võ Khánh Vinh đồng chủ biên được xuất bản năm 2003 với sự tài trợ của Viện KAS;
- “Tài phán hiến pháp và vấn đề xây dựng mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam” do do GS. TSKH. Đào Trí Úc và PGS. TS. Nguyễn Như Phát đồng chủ biên được xuất bản năm 2007 với sự tài trợ của Viện KAS;

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế còn trợ giúp trong hoạt động xuất bản cho các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật. Nhờ sự giúp đỡ quý báu này, nhiều công trình khoa học của các cán bộ nghiên cứu của Viện đã được dăng tải trên các Tạp chí và Nhà xuất bản có uy tín tại nước ngoài. Quan trọng nhất trong số đó là các công trình sau:
- Năm 1995, “Conditions and Borders of Legal Regulation of economic Activities in Viet Nam”, 1995 Annual Meeting Research Committee on Sociology of Law International (RCSL 95), Sociological Association, August 1-4, 1995, The University of Tokyo; Papers Section Meeting IV của PTS. Nguyễn Như Phát;
- Năm 1997, “The Role of Law during the Formation of a Marketdriven Mechanism in Vietnam”, in John Gillespie, Commercial Legal Development in Vietnam, Butterworths, Hong Kong 1997 của PTS. Nguyễn Như Phát;
- Năm 2001, “Legal and Judicial Reforms in Vietnam”, IDE Asian Law Series No. 7, Judicial Systems and Reforms in Asian Countries (Vietnam), IDE-JETRO, Japan, March 2001 của PTS. Nguyễn Như Phát;
- Năm 2007, “Das Wettbewerbsrecht im Rahmen der Wirtschaftsverfassung Vietnams unter Beruechsichtigung der deutschen und europaeischen Wirtschaftsverfassung“, Frank &Timme Verlag, Germany, 2007 của TS. Bùi Nguyên Khánh; “Die Verteilung der staatlichen Einahmen Kommunen in Deutschland und Vietnam“, Frank &Timme Verlag, Germany, 2007 của TS. Nguyễn Đức Minh;
3.3  Đào tạo
    Từ khi thành lập cho đến năm 1986, Viện Nhà nước và pháp luật đã liên tục cử nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đi đào tạo sau đại học và tiếp nhận nhiều cán bộ nghiên cứu được đào tạo tại các nước XHCN anh em. Cụ thể là:
- Tại Liên Xô (cũ): Có 1 cán bộ nghiên cứu bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ là Đào Trí Úc và có 5 cán bộ nghiên cứu bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sỹ là: Nguyễn Cửu Việt, Bùi Xuân Đức, Phạm Hồng Hải, Đinh Ngọc Vượng và Lê Minh Thông. Nhiều cán bộ học Đại học tại đây đã được tiếp nhận trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện như: Phạm Hữu Nghị, Lê Hồng Sơn, Hồ Sỹ Sơn, Đinh Thiện Sơn, Dương Đức Dũng, Lê Mai Thanh.
- Tại CHDC Đức (trước đây): có 3 cán bộ nghiên cứu bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sỹ là: Trần Đình Hảo, Hoàng Thế Liên, Nguyễn Như Phát. Nhiều cán bộ học Đại học tại đây đã được tiếp nhận trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện như: Nguyễn Đức Trụ, Đỗ Thị Thuận,… 
Từ năm 1997 đến nay, Viện Nhà nước đã cử hai cán bộ nghiên cứu sinh tại CHLB Đức và nhiều cán bộ đào tạo thạc sỹ tại CHLB Đức, Nhật Bản; đào tạo ngắn hạn tại Hoa Kỳ. Cụ thể là:
- Cán bộ được cử đào tạo nghiên cứu sinh: Bùi Nguyên Khánh, Nguyễn Đức Minh tại Khoa Luật, Trường Đại học tổng hợp Potsdam, CHLB Đức
- Cán bộ được cử đào tạo thạc sỹ: Hoàng Xuân Liêm tại Khoa Luật, Trường Đại học tổng hợp Luenerburg, CHLB Đức; Đào Bảo Ngọc, Dương Quỳnh Hoa tại Khoa Luật Trường  Đại học tổng hợp Nagoya, Nhật Bản; 
Đến nay, tất cả các cán bộ được cử đi học tập đều hoàn thành nhiệm vụ và về nước đúng hạn. 

Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Nhà nước và Pháp luật trong 40 năm luôn được coi trọng, nhất là trong bối cảnh chủ động hội nhập quốc tế hiện nay. Trong thời gian tới,  Viện tiếp tục tăng cường và mở rộng sự hợp tác quốc tế với các cơ sở khoa học và đào tạo của các nước, các nhà khoa học trên thế giới để làm giàu tri thức cho mình và dần dần có sự đóng góp vào sự phát triển khoa học pháp lý của nhân loại.